Thị trường châu Âu vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Báo cáo còn cho biết sự quan tâm đến thị trường Âu châu không chỉ đến từ các nước trong châu lục, mà còn xuất phát từ các nhà đầu tư đến từ châu Á, Trung Đông và Mỹ khi họ muốn mở rộng nhu cầu kinh doanh.
Những nhân tố mới bao gồm Quỹ đầu tư Carso đến từ châu Mỹ La tinh, đơn vị đã đầu tư vào thị trường Tây Ban Nha vào cuối năm 2012 và Quỹ Dầu khí Quốc gia Azerbaijan, đơn vị đã thâm nhập vào thị trường Pháp.
Ngoài ra, nghiên cứu của Savills còn nhấn mạnh rằng năm 2012 đánh dấu sự tăng trưởng nổi bật trong các hoạt động của Quỹ đầu tư tài sản công đến từ Na Uy, Trung Đông và châu Á, đã dẫn đến sự gia tăng về quy mô của các thương vụ cũng như về số lượng các vụ thu mua.
Ông Marcus Lemli, Trưởng bộ phận Tư vấn Đầu tư của Savills châu Âu, cho biết: “Sức hút mới đây của thị trường châu Âu đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu là tín hiệu rất khả quan. Mặc dù các nhà đầu tư này đều tìm cách hạn chế rủi ro, chúng ta vẫn đang nhìn thấy sức thu hút từ những cơ hội đầu tư ở cả thị trường chủ đạo và thị trường mới, đó cũng là điều mà chúng ta hi vọng sẽ tiếp diễn trong năm 2013”.
Theo nghiên cứu của Savills, thị trường đầu tư ở châu Âu vẫn tập trung tại Anh, Đức và Pháp ở mức 74% trên tổng doanh thu (trong số 13 nước được khảo sát), đạt 116,9 tỷ Euro (tương đương 3.144.142,4 tỷ VND) trong năm 2012, tăng 10,3% so với năm trước. Báo cáo còn cho biết, sự quan tâm của các nhà đầu tư không chỉ ở ba nước trên mà còn tập trung vào một số các thành phố. London, Paris, Berlin, Munich, Frankfurt và Stockholm chiếm 50% trên tổng khối lượng đầu tư, trong đó London chiếm 23%.
Savills cũng chỉ ra sự đa dạng trong các danh mục đầu tư đối với những người mua có sự chuyển hướng đầu tư đến các phân khúc khác do sự khan hiếm những sản phẩm có chất lượng cao. Đặc biệt, những dự án căn hộ dành cho nhiều gia đình và nhà ở dành cho sinh viên đã tăng sức hút.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh số liệu từ Real Capital Analytics cho thấy thị trường văn phòng vẫn tiếp tục được ưa chuộng trong năm 2012, chiếm 54% tổng khối lượng đầu tư thương mại của châu Âu, tiếp theo sau đó là thị trường bán lẻ với 28%.