Một cửa hàng Apple tại một trung tâm mua sắm ở Bangkok vào năm 2022. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Tư | 24/05/2023 10:33

Thị trường châu Á đón nhận cơ hội vàng đến từ Apple

Apple đã gia nhập danh sách doanh nghiệp toàn đầu đặt cược vào khu vực Đông Nam Á, nơi dòng vốn đầu tư ngày càng chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất.

Apple đã khai trương cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, một động thái cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của các thị trường mới nổi đối với nhà sản xuất iPhone. Sau khi ra mắt các cửa hàng thực tế đầu tiên ở Ấn Độ, đây là lần đầu tiên người tiêu dùng ở Việt Nam có thể mua trực tiếp bất kỳ sản phẩm nào của Apple.

Các thị trường như Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với Apple khi tốc độ tăng trưởng ở các thị trường phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, chậm lại, khiến Công ty phải tập trung vào những nơi mà trước đây ít chú tâm đến.

Trung Quốc là trung tâm của quá trình trỗi dậy phi thường của Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Trung Quốc đóng vai trò như xương sống đối với cả hoạt động sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm của Apple. Hiện tại, dù quốc gia tỉ dân vẫn đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động của Apple, nhưng công ty Mỹ đang bắt đầu đặt cược vào các thị trường khác.

Quang cảnh một cửa hàng Apple tại Marina Bay Sands ở Singapore vào năm 2020. Ảnh: Reuters
Quang cảnh một cửa hàng Apple tại Marina Bay Sands ở Singapore vào năm 2020. Ảnh: Reuters.

CEO Tim Cook của Apple đã chỉ ra triển vọng của Công ty tại các nền kinh tế mới nổi, gọi đó là những điểm sáng trong báo cáo tài chính của Công ty. Vị CEO cho biết ông “đặc biệt hài lòng” với kết quả kinh doanh tại các thị trường này trong 3 tháng đầu năm.

Ông nói với các nhà phân tích: “Apple đã đạt được các kỷ lục mọi thời đại ở Mexico, Indonesia, Philippines, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cũng như một số kỷ lục trong quý III, bao gồm cả ở Brazil, Malaysia và Ấn Độ”.

Phát ngôn của ông được đưa ra trong bối cảnh Apple báo cáo quý giảm doanh thu thứ 2 liên tiếp, làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu trên diện rộng giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều bất ổn.

Ông Daniel Ives, Giám đốc Điều hành của Wedbush Securities, nhận xét: “Rõ ràng, tăng trưởng đã chậm lại trên toàn cầu, do đó gây thêm áp lực buộc Apple phải quyết liệt theo đuổi các thị trường mới nổi”.

"Siêu thị trường"

Ông Ives dự đoán rằng: “Trong những năm tới, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ sẽ trở thành miếng bánh lợi nhuận còn lớn hơn cho Apple, nhờ những nỗ lực của Hãng tại các quốc gia này”.

Ông nhận định việc Apple bắt đầu bán hàng trực tuyến tại một quốc gia thường là tiền đề để mở một cửa hàng vật lý tại quốc gia đó. Điều này đúng với trường hợp của Ấn Độ, nơi mới có các cửa hàng vật lý đầu tiên của Apple vào tháng trước và cũng là nơi ông Cook tuyên bố sẽ đầu tư mạnh hơn trong thời gian tới.

Nói về việc Apple mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, Nhà phân tích Chiew Le Xuan của Canalys đánh giá đây là động thái “củng cố hơn nữa” sự hiện diện tại các thị trường mới nổi của nhà sản xuất iPhone. Theo ông, Apple đang “tích cực tăng cường” sự hiện diện tại khu vực Đông Nam Á thời gian gần đây với việc đẩy mạnh hoạt động phân phối và mạng lưới nhà bán hàng được ủy quyền, đặc biệt là ở Malaysia.

Và hơn hết, Apple đang có nhiều dư địa để phát triển tại các thị trường này. Theo Canalys, công ty Mỹ hiện mới chỉ mở cửa hàng vật lý chính hãng tại các nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực như Thái Lan và Singapore.

Ông Chiew cho biết, ngay cả Indonesia, một quần đảo rộng lớn và là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ 6 thế giới, cũng chưa có một cửa hàng Apple thực tế nào. Theo dữ liệu của Canalys, thị phần của Apple ở đó rất nhỏ, chỉ 1% vào năm 2022.

Với loạt động thái mới nhất, Apple gia nhập danh sách nhiều doanh nghiệp toàn đầu đang đặt cược lớn vào khu vực Đông Nam Á, nơi dòng vốn đầu tư ngày càng chảy mạnh vào lĩnh vực sản xuất.

Theo ông Ives, sức hấp dẫn của tầng lớp trung lưu đang lên ở Đông Nam Á “đã thay đổi động lực ở những quốc gia này - điều mà trước đây Apple thường tránh xa”.

Ông nói: “Đây là một cơ hội vàng cho Apple.

Những thách thức vẫn còn

Trong nhiều năm, các thương hiệu cao cấp như Apple đã phải vật lộn để cạnh tranh ở các thị trường mới nổi vì giá sản phẩm, thay vào đó họ đã chọn cách phụ thuộc vào những  đại lý địa phương.

Theo ông Chiew, iPhone có giá từ 470-1.100 USD, đắt đỏ đối với người tiêu dùng ở các nền kinh tế Đông Nam Á kém phát triển, nơi phần lớn các lô hàng điện thoại thông minh có giá dưới 200 USD.

Ông cho biết sự vắng mặt của Apple ở những nơi như Campuchia hay Việt Nam thường rõ thấy hơn vào những dịp ra mắt iPhone mới bởi khách hàng từ những nước này thường bay sang Singapore hoặc Malaysia để mua hàng rồi về nước bán lại.

Điều này sẽ thay đổi trong những năm tới, đặc biệt là khi Apple tiếp tục tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực.

Ông Ives cho biết, khi những người dùng đó đã chuyển đổi sang hệ điều hành của Apple, iOS, họ có xu hướng gắn bó và trở thành khách hàng trung thành. “Đây là một phần cốt lõi trong thành công của Apple ở Trung Quốc mà giờ đây có thể được nhân rộng ở Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam cùng nhiều nước khác”, ông nói thêm.

Nhưng Apple có thể phải đối mặt với những rào cản ở Đông Nam Á, nơi một số quốc gia đã đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các doanh nghiệp nước ngoài, theo ông Chiew.

Ví dụ, ít nhất 35% linh kiện của hàng điện tử được bán ở Indonesia phải được sản xuất tại địa phương, ngưỡng mà Apple phải đáp ứng bằng cách làm việc với các đối tác trong nước. Các quy định tương tự đã ngăn Apple mở cửa hàng ở Ấn Độ trong nhiều năm cho đến khi được nới lỏng vào năm 2019.

Và trong khi người tiêu dùng đang trở nên giàu có hơn, mức giá của công ty vẫn được coi là cao ở nhiều thị trường mới nổi, ông Ives lưu ý. “Chúng tôi tin rằng tăng trưởng sẽ rất khó khăn”.

Có thể bạn quan tâm: 

YouTube đóng góp 35 tỉ USD vào nền kinh tế Mỹ

Nguồn CNN