Thứ Sáu | 01/08/2014 07:06

Thị trường bán tháo, chứng khoán Mỹ lao dốc

Một số doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh yếu kém đã dấy lên làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Chỉ số S&P 500 giảm 2% xuống 1.930,67 điểm, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ ngày 10/4. Chỉ số này đã giảm 1,5% trong cả tháng 7 và 4,5% tính đến thời điểm hiện tại của năm 2014. Hệ số P/E của S&P 500 là 17,6 điểm, gần chạm ngưỡng cao nhất 4 năm.


Chỉ số S&P 500 (Nguồn: Bloomberg)

Cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong tất cả 10 lĩnh vực chính đều giảm giá, trong đó, lĩnh vực năng lượng, tài chính, điện thoại và y tế giảm ít nhất 2%.

Chỉ số Dow Jones giảm 1,9% xuống 16.563,30 điểm vào lúc 16h00 tại New York.


Chỉ số Dow Jones (Nguồn: Bloomberg)

Biến động thị trường đang tăng dần lên sau khi chỉ số S&P 500 kết thúc chuỗi "bình lặng" dài nhất kể từ năm 1995. Chỉ số VIX theo dõi biến động chứng khoán Mỹ đã tăng 27% lên 16,95 điểm - mức cao nhất kể từ ngày 11/4. Có hơn 7,9 tỷ cổ phiếu được giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ, ghi nhận khối lượng giao dịch lớn nhất kể từ ngày 27/6.

Trong số những doanh nghiệp đã báo cáo kết quả kinh doanh quý II, khoảng 76% doanh nghiệp có lợi nhuận vượt ước tính và 66% doanh nghiệp có doanh số bán hàng vượt dự báo.

Chứng khoán Mỹ nói riêng và chứng khoán toàn cầu nói chung giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 31/7 do kết quả kinh doanh đáng thất vọng của một số doanh nghiệp tại khu vực châu Âu và châu Á.

Trong khi đó tại Mỹ, giới đầu tư dự đoán rằng, nền kinh tế cải thiện khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) buộc phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Một số số liệu gần đây đều chứng tỏ, kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. GDP quý II của Mỹ tăng trưởng 4% hàng năm trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tháng 7 đã giảm xuống thấp nhất 8 năm, ghi nhận tiến bộ vượt bậc trên thị trường lao động.

Ngày 31/7, sau 2 ngày họp chính sách, Fed đã quyết định sẽ tiếp tục cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng xuống 25 tỷ USD và vẫn duy trì lãi suất thấp thêm một khoảng thời gian đáng kể sau khi kết thúc chương trình nới lỏng định lượng này. Fed nhấn mạnh một số vấn đề của thị trường lao động, như tăng trưởng lương chậm và tình trạng thiếu việc làm. Nhiều chỉ số của thị trường lao động cho thấy, vẫn còn một lượng lớn nguồn lao động chưa được sử dụng, Ủy ban thị trường mở Liên bang nhận định.

Giới đầu tư cũng theo dõi sát sao những diễn biến tiếp theo tại Argentina sau khi nước này lỡ hẹn thanh toán nợ đối với giới đầu tư. Ngày hôm qua, S&P đã tuyên bố Argentina vỡ nợ và đây là lần vỡ nợ thứ 2 trong 13 năm của đất nước châu Mỹ Latin này.

Nguồn Theo DVO/ Bloomberg


Sự kiện