Thêm một chương trình do thám của Mỹ bị tiết lộ
Bộ Tư pháp Mỹ đã triển khai một chương trình do thám bí mật nhằm thu thập dữ liệu các cuộc điện thoại quốc tế của người dân Mỹ trong suốt hơn một thập kỷ trước khi chương trình này chấm dứt hồi năm 2013. Đây là tiết lộ mới nhất liên quan đến chương trình do thám trên diện rộng gây tranh cãi của Mỹ được báo "Wall Street Journal" công bố ngày 16-1.
Theo báo trên, chương trình do thám này bị phát hiện trong một đơn kiện của tòa án cáo buộc một người đàn ông đã cố tình bán các thiết bị điện tử bất hợp pháp cho Iran. Văn bản trên nêu rõ, Cơ quan phòng, chống ma túy Mỹ (DEA) trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ đã sử dụng trát của cơ quan hành chính thay vì xin lệnh của tòa án liên bang để thu thập một lượng lớn dữ liệu các cuộc gọi có liên quan đến hoạt động tội phạm và buôn bán ma túy quốc tế.
Những thông tin được thu thập bao gồm số điện thoại, ngày giờ và thời lượng của các cuộc đàm thoại cùng với thông tin cước gọi. Trong một số trường hợp, những đoạn ghi âm các cuộc gọi quốc tế của công dân Mỹ không có bằng chứng cho thấy có liên quan đến hoạt động tội phạm.
Trao đổi với báo giới, một quan chức giấu tên của DEA cho biết, chương trình này đã chấm dứt hồi tháng 9-2013 và các thông tin cũng đã được xóa bỏ. Hiện cơ quan này không còn triển khai việc thu thập dữ liệu qua điện thoại từ các nhà cung cấp dịch vụ Mỹ.
Hoạt động tình báo của Chính phủ Mỹ đang vấp phải sự chỉ trích nặng nề của công chúng sau khi cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden công bố những tiết lộ gây chấn động về chương trình giám sát toàn cầu và nghe lén các cuộc điện thoại của chính quyền Washington.
Chương trình này cho phép NSA lưu trữ các dữ liệu về các cuộc điện thoại trên khắp nước Mỹ, bao gồm cả các số gọi đi, thời điểm gọi đi cũng như thời gian cuộc gọi kéo dài, song không lưu giữ nội dung của các cuộc thoại. Theo một báo cáo công bố gần đây, NSA đã thu thập dữ liệu của khoảng 30% các cuộc gọi điện thoại trên khắp nước Mỹ.
Nguồn Quân Đội Nhân Dân