Thứ Sáu | 26/10/2012 09:57

Thêm 9 ngân hàng hầu tòa vì thao túng lãi suất Libor

Tờ Wall Street Journal hôm nay 26/10 cho biết thêm 9 ngân hàng phải hầu tòa do bị cáo buộc liên quan đến việc phổ biến lãi suất Libor.
Cụ thể, 9 ngân hàng nhận được trát gọi của tòa trong tháng 8 và tháng 9 là Bank of America, Ngân hàng Tokyo Mitsubishi, Credit Suise, CSGN, Lloyd Banking Group, Rabobank, Ngân hàng hoàng gia Canada, Société Générale, Norinchukin Bank và West LB AG, các nguồn thạo tin cho hay.

Theo tờ Wall Street Journal, số trát gọi này - được đưa ra trong tháng 8 và tháng 9 song không được công bố chính thức trong các báo cáo trước đó - đã nâng tổng số các ngân hàng được triệu tập lên tòa án để phục vụ cho cuộc điều tra liên quan đến việc phổ biến lãi suất Libor lên con số 16.

Trước đó, nguồn tin cũng khẳng định đã có 7 ngân hàng phải hầu tòa để giải trình các vấn đề liên quan tới lãi suất Libor. Danh tính của các ngân hàng này cũng được công bố công khai trong các báo cáo trước đó.

Hiện đại diện của Bank of America và Credit Suisse từ chối đưa ra bình luận về thông tin này. Trong khi 7 ngân hàng khác cũng chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.

Cho đến hiện tại, danh sách các ngân hàng liên quan đến cuộc điều tra hầu hết bao gồm các thành viên trong hội đồng, có ảnh hưởng quyết định đến lãi suất liên ngân hàng London (Libor).

Lãi suất Libor là lãi suất của các ngân hàng Anh trên thị trường liên ngân hàng ở London nhưng hiện trở thành một chuẩn lãi suất cho hầu hết các thị trường liên ngân hàng trên thế giới.Libor là trung bình lãi suất tiền gửi của liên ngân hàng gồm những ngân hàng uy tín nhất thế giới cho các khoản vay lớn với thời gian đáo hạn là qua đêm cho đến một năm. Lãi suất Libor được cố định hàng ngày từ 11 giờ đến 17 giờ bởi Hiệp hội các Ngân hàng Anh.Libor được tính toán hàng ngày tại London cho USD cũng như các tiền tệ khác, dựa trên ước tính của các ngân hàng về chi phí đi vay ngân hàng khác của họ.

Theo các nhà phân tích, cuộc điều tra nhằm vào lãi suất Libor lần này, được tiến hành bởi tổng chưởng lý bang New York, ông Eric Schneiderman, và tổng chưởng lý bang Connecticut George Jepsen, có thể biến thành một vụ kiện dân sự liên quan đến hành vi vi phạm luật chống độc quyền và gian lận tại Mỹ.

Cuộc điều tra lần này cũng là một phần trong chiến dịch điều tra toàn cầu, trong đó có sự tham gia của hàng chục lãnh đạo và quản lý tại 3 châu lục, nhằm vào những ngân hàng bị cáo buộc gian lận bằng lãi suất Libor.

Cuộc điều tra của hai bang New York và Connecticut lần này được cho là sẽ tập trung vào những cách thức mà lãi suất Libor có thể ảnh hưởng tới các nhà đầu tư, các cơ quan nhà nước cũng như các thành phố, những đối tượng chính tham gia trong các giao dịch hoán đổi lãi suất nhằm kiểm soát chi phí nợ.

Ngoài New York và Connecticut, một loạt các bang khác, bao gồm cả Massachusetts và Florida cũng dự kiến sẽ tiến hành điều tra các ngân hàng có dính líu tới lãi suất Libor, tờ Wall Street cho biết.

Trước đó, ngân hàng Barclays của Anh đã phải nộp phạt 450 triệu USD cho các nhà quản lý Mỹ và Anh, sau khi thừa nhận các giám đốc ngân hàng và các thương nhân đã bắt tay nhau để thao túng Libor. Sự thật này đã gây ra một làn sóng chỉ trích dữ dội khiến giám đốc điều hành (CEO) của Barclays, Robert Diamond, và chủ tịch Marcus Agius, phải đệ đơn xin từ chức.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện