Chủ Nhật | 15/12/2013 23:58

Thế lực quân sự đằng sau phong trào biểu tình Thái Lan

Khi bạo lực xẩy ra và chính phủ không thể thiết lập trật tự, đất nước sẽ trở thành hỗn loạn, sẽ là lý do để quân đội ra tay can thiệp

Đám đông ủng hộ đã giảm dần về số lượng. Những lời đe dọa của ông Suthep nhằm vào chính quyền thủ tướng Yingluck Shinawatra đang biến đổi từ thẳng thắn thành kỳ cục.

Nhưng đứng đằng sau người lãnh đạo biểu tình là một thế lực quân sự hậu trường. Đó là hai tướng quân đội đã nghỉ hưu nhưng có quan hệ đối địch sâu sắc với gia đình Shinawatra.

Lực lượng đứng sau ông Suthep có hai người đứng đầu là cựu bộ trưởng quốc phòng Prawit Wongsuwan và cựu lãnh đạo quân đội Anupong Paochinda. Hai người này có ảnh hưởng lớn trong giới lãnh đạo quân đội Thái Lan hiện nay, theo các nguồn tin quân đội cho biết.

Hai nhân vật vừa được Reuters công bố đứng sau ông Suthep
Hai nhân vật vừa được Reuters công bố đứng sau ông Suthep

Cái nhìn thoáng qua mối quan hệ này có thể thấy tại sao ông Suthep vẫn có thể tiếp tục nỗ lực dường như không thể của mình. Lật đổ một nguyên thủ được bầu cử 2011 với số phiếu vượt trội để thay thế bằng một "Hội đồng Nhân dân" gồm những "người tốt" được chỉ định, không phải chuyện đơn giản.

Ảnh hưởng của thế lực bảo hoàng

Dù đã nghỉ hưu, ông Anupon và ông Prawit vẫn có tầm ảnh hưởng trong lực lượng quân đội Thái. Đây là lực lượng có quan hệ sâu với chính trị trong nước có lịch sử 18 cuộc đảo chính thành công.

Vẫn không rõ mức ảnh hưởng đó lớn đến đâu, hay quan trọng thế nào. Nhưng hai người này có quan hệ với thủ lĩnh quân đội hiện nay là tướng Prayuth Chan-ocha. Và cả ba đều có lịch sử bất hòa với ông Thaksin Shinawatra, anh trai của thủ tướng Yingluck. Ông Thaksin đã bị lật đổ hồi 2006.

Nguồn tin cho hay nếu cuộc biểu tình của ông Suthep biến thành bạo lực, hai người có thể thuyết phục quân đội can thiệp hoặc chiếm chính quyền với lý do an ninh quốc gia. Khi đó ông Suthep sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch Hội đồng Nhân dân của mình, mặc dù các nhà phân tích cho rằng đó là kịch bản khó xẩy ra trong tương lai gần.

Hai người nói trên không trả lời phỏng vấn của báo Reuters.

Hai ông Anupong và Prayuth từng thuộc lực lượng Cận vệ nữ hoàng (Queen's Guard), một đơn vị tinh nhuệ tương đối độc lập so với các đơn vị quân sự khác. Lòng trung thành của họ dành cho hoàng tộc hơn là cho quân ngũ, theo ông Chambers, giám đốc nghiên cứu của Viện Sự vụ Đông Nam Á đặt ở Chiang Mai, Thái Lan.

Đức Vua Thái Bhumibol-Adulyadej có triều đại trị vì lâu nhất thế giới hiện nay, sinh năm 1927
Đức Vua Thái Bhumibol-Adulyadej có triều đại trị vì lâu nhất thế giới hiện nay, sinh năm 1927

Phần lớn người Thái vẫn thể hiện sự trung thành vững chắc với đức Vua Thái Bhumibol Adulyadej. Tuy thế người ta cho rằng hòang tộc có liên quan mật thiết với vụ đảo chính 2006. Phe cực hữu trong vụ lật đổ Thaksin và hiện tại ủng hộ Suthep đều mặc áo vàng, màu của nhà vua .

Khi triều đại vua Bhumibol Adulyadej, 86 tuổi, sắp chấm dứt, những cạnh tranh kình địch về thế lực quân sự và chính trị nổi dần lên bề mặt. Người Thái đang phải chọn một bên, giữa người ủng hộ thực tại xã hội sẵn có hay những người muốn thay đổi thực tại đó - lực lượng cử tri đã bỏ phiếu cho phe của Thaksin.

Thái tử Maha Vajiralongkorn vẫn chưa có được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng như thân phụ. Nó khiến người ngòai đặt dấu hỏi liệu việc nối ngôi có suôn sẻ không. Hoàng cung đã từ chối yêu cầu phỏng vấn của Reuters.

Điều kiện "đất nước rối ren"

Hai ông Prawit và Anupong đã thể hiện sự sẵn sàng can thiệp nếu có khủng hoảng an ninh. Định nghĩa của chuyện đó là cảnh sát mạnh tay trừng phạt người biểu tình hoặc đụng độ lớn giữa người biểu tình 2 phe chống đối và ủng hộ chính phủ. Một điều kiện khác là kế hoạch chính phủ lâm thời của ông Suthep hợp hiến, theo các nguồn tin quân đội nói trên.

Các nhà lãnh đạo quân đội nói họ đứng trung lập. Nhưng ông Tanasak Patimapragorn tổng chỉ huy tối cao của các lực lượng vũ trang, sẽ gặp Suthep và đồng minh hôm thứ bảy. Đây là phe rõ ràng cố khiêu khích bạo lực ở Bangkok với hy vọng thúc đẩy một cuộc đảo chính quân sự và can thiệp tư pháp để lật đổ bà Yingluck

(Ông Suthep và PDRC gặp quân đội hôm thứ bảy. Khi chính phủ tổ chức hội nghị thảo luận cải cách và bầu cử hôm chủ nhật 15/12, ông Suthep và đồng minh đảng Dân chủ đã không tham dự. Hội nghị diễn ra với đại diện của quân đội, giới học giả, và các nhóm chính trị trong đó có phe áo đỏ UDD. -ND)

Chính phủ tổ chức Hội nghị thảo luận về cải cách và bầu cử hôm 15/12/2013
Chính phủ tổ chức Hội nghị thảo luận về cải cách và bầu cử hôm 15/12/2013

Nhìn bề ngoài, nỗ lực của ông Suthep nhằm lật đổ chính phủ hiện tại có vẻ khó thành công.

Ông Suthep muốn có một chính phủ song song và một lực lượng cảnh sát tình nguyện. Ông muốn bà Yingluck bị bắt vì tội phản quốc, và đã ra lệnh cho công chức cũng như quân đội phải nghe lệnh từ ông chứ không phải từ chính phủ.

Vật lộn để giải tỏa căng thẳng, bà Yingluck đã đặt hạn bầu cử hạ nghị viện ngày 2/2/2014. Nhưng việc này bị ông Suthep và đồng minh phớt lờ vì đảng nào có ảnh hưởng Thaksin gần như chắc chắn sẽ thắng. Họ đã thắng trong mọi cuộc bầu cử từ 2001 tới nay.

Quân đội không hỗ trợ nhiều an ninh cho chính phủ của bà Yingluck trước các cuộc biểu tình. Ví dụ như hôm thứ Năm khi người biểu tình cắt điện Văn phòng Chính phủ, phòng làm việc của bà Yingluck, và leo tường tiến vào khu nhà.

Quân đội đã để mặc cảnh sát đối phó với đám đông năm nay. Hoàn toàn trái ngược với năm 2010 khi chính phủ của đảng Dân chủ đang cầm quyền và binh lính dùng bạo lực chấn áp người biểu tình ủng hộ Thaksin.

"Điều đó có nghĩa là một chính phủ không có sự ủng hộ của giới thượng lưu sẽ không thể thiết lập trật tự. Khi bạo lực xẩy ra và chính phủ không thể thiết lập trật tự, đất nước sẽ trở thành hỗn loạn. Đó sẽ là lý do để phe quân đội ra tay," theo một thành viên cao cấp của Đảng Vì Nước Thái.

Phe biểu tình cắt điện, và kéo một lá cờ bao quanh chu vi tòa nhà Văn phòng Chính phủ chỉ có cảnh sát bảo vệ
Phe biểu tình cắt điện, và kéo một lá cờ bao quanh chu vi tòa nhà Văn phòng Chính phủ chỉ có cảnh sát bảo vệ

Quân đội từ chối đã chọn phe.

"Chúng tôi cố gắng tránh dính líu trực tiếp hoặc bị coi là đã chọn phe," phát ngôn viên quân đội Đại tá Werachon Sukondhadhpatipak nói. Ông cho biết quân đội đang khuyến khích các bên gìn giữ hòa bình chứ không tiến hành kiểm soát đám đông.

Khi được hỏi liệu quân đội có ủng hộ chính phủ không, ông trả lời: "lúc này thì có."

Tình trạng bế tắc

Tình trạng bế tắc này là điều nhắc nhở tới sự rối loạn chính trị đã phủ bóng đen lên Thái Lan phần lớn thập kỷ vừa qua.

Một bên là Thaksin, cựu trùm truyền thông đã vẽ lại bản đồ chính trị Thái Lan. Ông tìm kiếm lá phiếu cử tri nông thôn để thắng liên tiếp các cuộc bầu cử 2001 và 2005. Sứ mệnh chính trị vững vàng đó được dùng để đem lại lợi ích cho nhiều công ty lớn, trong đó có công ty của Shinawatra.

Bên kia là giới thượng lưu và các tổ chức lâu đời đang bị đe dọa bởi sự tiến lên của Thaksin. Đối thủ của ông bao gồm các công đoàn, các học giả coi ông là kẻ tham nhũng vi phạm quyền lợi, giới trung lưu thành phố căm ghét chuyện thuế của họ bị dùng làm công cụ chính trị cho Thaksin, em gái, và các đồng minh.

Việc không thể dập tắt các cuộc biểu tình khiến bà Yingluck yếu thế trước các lực lượng quân đội và tư pháp. Họ đã lật đổ hai thủ tướng của phe Thaksin năm 2008, theo ông Boonyakiat Karavekphan chuyên gia phân tích chính trị của Đại học Ramkamhaeng, Bangkok.

"Nếu Prawit và Anupong ủng hộ Suthep, nó có thể sẽ làm thay đổi ý kiến của những người chỉ huy trong quân đội, không đứng về phe chính phủ. Việc đó sẽ khiến phong trào của Suthep thêm phần hợp pháp," ông nói. "Anh nhìn cách nào đi nữa thì quân đội vẫn là một nhóm áp lực chính trị quan trọng trong chính trường Thái Lan... Hoạt động của quần chúng đã tiến xa tới giới hạn của nó rồi. Giờ nó cần cú huých từ các nhóm khác."

Giới lãnh đạo quân đội nghe kế hoạch chính trị của ông Suthep hôm thứ bảy 14/12/2013, ông Prayuth ngòai cùng bên trái. (AP)
Giới lãnh đạo quân đội nghe kế hoạch chính trị của ông Suthep hôm thứ bảy 14/12/2013, ông Prayuth ngòai cùng bên trái, ôngđang nói(AP)

Ba nhân vật của quân đội Thái Lan

Anupong là người đứng đầu cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông Thaksin hồi tháng 9/2006 . Hai năm sau, ông phát biểu trên truyền hình khuyên thủ tướng của phe Thaksin từ chức. Là thủ lĩnh quân đội, ông đã chỉ huy cuộc trừng phạt đẫm máu năm 2010 tới người biểu tình ủng hộ Thaksin . 91 người đã chết, phần lớn là phe áo đỏ. Anupong đưa Prayuth làm người thay thế mình.

Là cựu chỉ huy lục quân, Prawit là người hướng dẫn cho Anupong. Ông là bộ trưởng quốc phòng của chính phủ bị đảng Vì Nước Thái của Yingluck thay thế sau bầu cử 2011. Ông cũng là đồng sự thân cận của tướng Sonthi Boonyaratkalin, người lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ Thaksin. Thaksin hiện nay đang tự lưu vong để tránh phải vào tù vì tham nhũng, ông gọi án tù đó có động cơ chính trị.

"Suthep đang đóng vai lộ diện còn Prawit chơi bài ngầm," theo một quan chức quân sự giấu tên. "Tướng Prawit đã thể hiện rõ nguyện vọng muốn làm thủ tướng."

Một nguồn tin quân sự nói Prayuth đang bị co kéo giữa hai hướng. Một bên là hai ông Anupong và Prawit. Một bên là nhu cầu phải khôi phục lại hình ảnh quân đội sau vụ xung đột 2010 và duy trì danh tiếng sạch sẽ để về hưu năm 2014.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện