Thứ Tư | 18/06/2014 16:48

Thế lực mới trên chính trường Mỹ

Đảng Trà đang vươn lên thành thế lực mới trên chính trường Mỹ, có khả năng tách hoàn toàn khỏi đảng Cộng hòa.
Thất bại đầy bất ngờ của lãnh tụ phe đa số tại Hạ viện, Hạ nghị sỹ Cộng hòa Eric Cantor, trong cuộc bầu cử sơ bộ giành quyền đề cử ứng cử viên nghị sỹ bang Virginia đã tiếp thêm động lực cho các thành viên đảng Trà và cử tri của họ.

Đảng Trà hy vọng làm nên một cú sốc tương tự tại bang Tennessee trước Thượng nghị sỹ lão làng Lamar Alexander vào tháng 8 tới. Tại bang Tennessee, đối thủ của ông Alexander là Joe Carr.

Tương tự như vị Giáo sư kinh tế ít tiếng tăm David Brat đã “hất cẳng” ông Cantor, nhiều nhà quan sát đánh giá thấp chính khách này, cho rằng ông khó có khả năng vượt qua vòng loại (bầu cử sơ bộ) chứ chưa nói tới việc giành một ghế tại Thượng viện.

Tuy nhiên, sau cú ngã ngựa của Cantor, các dự báo đã có phần đổi chiều. Kyle Kondik, học giả đến từ Trung tâm Nghiên cứu chính trị thuộc Đại học Virginia, cho rằng không thể loại trừ khả năng một kịch bản tương tự tại Virginia sẽ tái diễn tại Tennesssee. Ý kiến này không phải là không có cơ sở khi đảng Trà đã làm nên một kỳ tích với một Brat mờ nhạt hơn nhiều so với đối thủ Cantor với nhiều năm lăn lộn tại nghị trường Mỹ. Đây được coi là một thắng lợi rực rỡ của đảng Trà, phản ánh rõ thái độ bất mãn của cử tri đối với ông Cantor nói riêng và các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa nói chung. Nó cũng cho thấy đảng Con Voi - cách gọi khác của đảng Cộng hòa - phải quay lại với nền bảo thủ và các giá trị truyền thống của đảng này.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng hiện còn quá sớm để khẳng định đảng Trà đã tìm được công thức để hạ gục các đối thủ Cộng hòa trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở cấp tiểu bang. Lý do cơ bản đó là đảng Trà sẽ vấp phải rào cản tài chính.

Trong cuộc bầu cử Thượng viện giữa nhiệm kỳ năm nay, các thượng nghị sỹ Cộng hòa kỳ cựu như lãnh tụ phe thiểu số Mitch McConnell ở bang Kentucky và Lindsey Graham ở bang South Carolina đều không tái tranh cử, đồng nghĩa với đảng Con Voi mất đi ít nhất hai nhân vật có tiếng nói trọng lượng tại Đồi Capitol. Hy vọng dồn vào Cantor tại Hạ viện đã bị dập tắt, và Cộng hòa không được phép mất thêm các các quân cờ khác.

Hậu thuẫn cho Thượng nghị sỹ tại nhiệm hai nhiệm kỳ Alexander của bang Tennessee là các nghị sỹ Cộng hòa hàng đầu khác với khoản gây quỹ đến nay đã lên tới 5,3 triệu USD và một chiến dịch tuyên truyền rộng khắp toàn bang. Ngoài ra, một trong những lý do khiến ông Cantor bị hạ bệ là sự ủng hộ của chính khách này đối với chương trình cải cách luật nhập cư của chính quyền Dân chủ, điều mà nhiều cử tri đảng Cộng hòa bảo thủ coi là “không thể tha thứ”.

Đảng Trà là một phong trào chính trị chủ trương giảm nợ công và ngân sách liên bang bằng cách giảm chi phí và thuế. Phong trào này được coi là sự đan xen giữa chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa tự do cá nhân và một phần chủ nghĩa dân túy.

Khi mới ra đời (năm 2009), đảng Trà không coi mình là một chính đảng quốc gia. Những người ủng hộ đảng Trà khi đó tự nhận mình là một phần nhỏ thuộc đảng Cộng hòa, và họ cũng ủng hộ các ứng viên đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, cùng với thời gian và những điều chỉnh trong chính sách của đảng Cộng hòa, đảng Trà đã lớn mạnh trở thành một thực thể tương đối độc lập và đang tìm chỗ đứng vững chắc trong đời sống chính trị nước Mỹ. Đảng Trà đã gây được ảnh hưởng rất mạnh trong khối cử tri đảng Cộng hòa, đó là lý do khiến họ có ảnh hưởng rất lớn.

Thành viên đảng Trà là những người da trắng trạc tuổi 50, có học thức và tài sản lớn hơn phần lớn dân chúng Mỹ. Họ cảm thấy bất bình khi phải rút hầu bao chi trả cho một nước Mỹ trẻ trung, một thế giới lai tạp và toàn cầu hóa.

Giai đoạn 2009 - 2011, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu gia nhập đảng Trà với hơn 1.000 tổ chức được thành lập. Yêu sách của họ tập trung vào 3 trục chính: Chương trình cải cách hệ thống y tế Obamacare, thâm hụt ngân sách liên bang và thao túng giới tinh hoa tại Washington. Đảng Trà chiến đấu đòi giảm thuế, giảm chi tiêu công và một vị thế biệt lập hơn của Mỹ trong chính sách đối ngoại.

Các ứng viên đảng Trà đã gặt hái thành công trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ năm 2010. Khoảng 50 người trúng cử vào Quốc hội và trở thành nhóm bảo thủ nhất trong phe Cộng hòa. Xu thế này có thể tiếp diễn trong các cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014 (bầu lại toàn bộ 435 nghị sỹ tại Hạ viện, 1/3 Thượng viện và 1/3 các thống đốc bang).

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân


Sự kiện