Thứ Hai | 21/10/2013 20:08

"Thế hệ lạc lối" của Sony đang mạo hiểm để khôi phục lại biểu tượng Walkman

Walkman từng là tượng đài rực rỡ của Sony, biểu tượng của giới trẻ trước khi bị iPod soán ngôi. Khôi phục lại vinh quang đó có khả thi?
Hãy nghe kỹ sư Yoshinori Onoue nói về công việc thiết kế: thiết kế một chiếc TV hoàn hảo đòi hỏi không chỉ trình độ kỹ thuật mà còn có con mắt thẩm mỹ của một người nghệ sĩ.

“Màn hình TV giống như một tấm vải để bạn vẽ lên. Nó cần phải sạch sẽ tuyệt đối. Sau đó, bạn sẽ tô màu lên bức vẽ". Cựu kỹ sư của Sony còn kể lại quá trình ba năm điều chỉnh độ tương phản màu và độ sắc nét của những chiếc tivi.

Khi Onoue và đội ngũ kỹ sư – nhiều người từng là nhân viên của Sony chế tạo ra một mẫu TV đúng theo ý mình, ông thay chiếc TV cũ trong phòng ngủ và đặt vào đó chiếc TV với những sáng tạo mới nhất. Tờ HiVi, một phiên bản của Consumer Reports của Nhật Bản đã đánh giá đây là mẫu TV 32inch có chất lượng hình ảnh tốt nhất.

Rumi Yamaguchi, nhân viên của Sony Corp., nhìn các dòng máy Sony Walkman, gồm cả thế hệ Walksman từ đời đầu tiên, kệ hàng đầu, thứ hai từ trái, tại nhà lưu trữ của Sony ở Tokyo. (Ảnh gia: Shuji Kajiyama / AP Photo)
Rumi Yamaguchi, nhân viên của Sony Corp., nhìn các dòng máy Sony Walkman, từ thế hệ đầu tiên, kệ hàng đầu, thứ hai từ trái, tại nhà lưu trữ của Sony ở Tokyo. (Ảnh gia: Shuji Kajiyama / AP Photo)


Tuy nhiên, đây không phải chiến thắng kỹ thuật của Sony, mà nó thuộc về hãng điện tử Onoue mới đầu quân, LG Electronics.

Cựu giám đốc bộ phận màn hình của Sony là một trong số hàng trăm kỹ sư đứng sau những sản phẩm đình đám nhưng đã phải rời bỏ hãng trong giai đoạn công ty cắt giảm chi phí - dấu hiệu cho thấy văn hóa “chấp nhận mạo hiểm” của Sony một thời từng được ca tụng đã gần như mai một.

Trước kết quả kinh doanh thua lỗ năm thứ 4 liên tiếp, 4,6 tỷ USD/năm, một trong những hành động đầu tiên của Kazuo Hirai khi mới nhậm chức chủ tịch Sony năm ngoái đó là cắt giảm 10000 nhân sự. Tính từ năm 2003, 60000 người đã mất việc ở Sony. Ông Onoue cho rằng “công ty sa thải các kỹ sư như thể một vụ bán tháo hàng. Đó là sai lầm lớn bởi người tài mới tạo nên được những sản phẩm tốt”.

Chảy máu chất xám

Hiện tượng chảy máu chất xám đe dọa đến sứ mệnh làm sống lại thương hiệu biểu tượng gắn với những dòng sản phẩm đình đám như máy máy quay đĩa CD, TV màu Triniton, máy nghe nhạc Walkman hay máy nghe nhạc di động tích hợp tính năng chơi game.

Bên cạnh đó, các đối thủ cạnh tranh như LG, Samsung hay tập đoàn công nghiệp chính xác Hon Hai nhân cơ hội này đẩy mạnh phát triển.

“Không ai trong ban lãnh đạo hiểu được tác hại của nạn rò rỉ công nghệ”, theo nhận định của Yasunori Tateishi, tác giả cuốn sách “Tạm biệt Sony”. Cuốn sách như một bản nhận xét, đánh giá lần thứ 9 của Tateishi về quá trình 15 năm hoạt động của Sony: từ một nhà sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng có giá trị nhất tới một công ty có giá trị bằng 1/10 Samsung. "Những con người từng làm việc ở Sony rồi sẽ đi đâu?", tác giả Tateishi đặt câu hỏi.

Các kỹ sư của Sony
Các kỹ sư của Sony năm 1946

Tuy nhiên, bà Mami Imada, phát ngôn viên của công ty tại Tokyo cho biết: “Sony coi các kỹ sư là tài sản quan trọng nhất và luôn tìm phương pháp để giữ nhân tài ở những bộ phần cần thiết cho các chiến lược kinh doanh".

"Dưới sự lãnh đạo của nhiều chuyên viên cấp cao vốn là những kỹ sư, Sony đang đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển để hướng đến những loại hình kinh doanh mới, đẩy nhanh tốc độ sáng tạo và thiết lập những công nghệ cốt lõi thế hệ tiếp theo", bà Imada phát biểu.

Sa thải

Do Nhật Bản có điều luật lao động hạn chế sa thải công nhân, nên các công ty muốn cắt giảm lương đều thực hiện chế độ “tự nguyện rời bỏ”. Cụ thể, họ sẽ gửi một khoản tiền khuyến khích cho các nhân viên có kỹ năng nhưng tỏ ra bức xúc nhất để họ tự nhảy việc.

Các nhân viên không được công ty coi trọng nhưng quyết định ở lại sẽ thường bị điều chuyển về các “oidashibeya”, hay còn gọi là các phòng “dự bị sa thải”. Công ty sẽ giao cho cho họ các việc vặt vãnh hoặc bị để mặc, yêu cầu không được làm gì, đến khi nào họ cảm thấy chán nản và tự bỏ việc.

Hirai đã gia tăng áp lực vào tháng 4, bắt hầu hết các quản lý tự động hạ cấp khi họ 50 tuổi. Phát ngôn viên của Sony, bà Imada nói rằng chính sách này đưa ra nhằm "thay máu" cho các vai trò chủ chốt.

Các nhà phê bình thì cho rằng đó là một chiến lược làm nhục những người được trả lương cao và có tuổi trong công ty, ép họ phải ra đi.

Khi còn đương chức giám đốc chiến lược sản xuất năm 2009, Onoue đã từ nhiệm khi được yêu cầu xây dựng kế hoạch đóng cửa các nhà máy. Với 30 năm kinh nghiệm, Onoue đã dễ dàng chuyển sang LG khi công ty Hàn Quốc muốn chiếm thị phần lớn thứ ba trên thị trường sản xuất và kinh doanh TV có giá trị 2,9 tỷ USD của Nhật Bản.

LG đã phải bật khỏi thị trường này hai lần trước đó vì chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn Nhật Bản.

Mọi người đang nghe thử Walkman mới tại Hội chợ trong Điện tử tiêu dùng IFA (Internationale Funk Ausstellung) ở Berlin vào năm 2005. (Ảnh: Marcus Brandt / DDP / AFP qua Getty Images)
Mọi người đang nghe thử Walkman mới tại Hội chợ trong Điện tử tiêu dùng IFA (Internationale Funk Ausstellung) ở Berlin vào năm 2005. (Ảnh: Marcus Brandt / DDP / AFP qua Getty Images)


Làm đúng cách

"Họ không thể chỉ mang sang đây những gì họ đang sản xuất ở Hàn Quốc", Onoue, giờ là chủ tịch phòng nghiên cứu của công ty điện tử LG Nhật Bản phát biểu. "Họ muốn đi đúng hướng ngay vào thời điểm này bằng cách đầu tư tiền bạc, và thuê nhân công".

Hơn 100 kỹ sư Nhật Bản đang làm việc tại phòng nghiên cứu LG Nhật ở quận Shinagawa, Tokyo, cách trụ sở của Sony vài chạm tàu điện. Onoue nói rằng ông vẫn đang tìm kiếm các nhân tài trong khi các công ty điện tử Nhật Bản đang sa thải nhân công.

Không chỉ riêng Sony, mà Panasonic, Sharp và Fujitsu cũng cắt giảm hàng nghìn người lao động vào năm ngoái.

LG cũng không phải là hãng duy nhất tuyển dụng nhân viên cũ của Sony. Samsung đã chiêu mộ "người cũ" của Sony từ năm 2000, trong đó phải kể đến nhân vật có tiếng như: Masaki Oguro, một trong những kỹ sư trưởng đứng sau thiết kế máy quay số mang tính cách mạng ra đời năm 1995.

Masaaki Tsuruta, cựu kỹ sư trưởng của bộ phận sản xuất - kinh doanh máy chơi game năm nay cũng đã chuyển sang Samsung giữ chức trưởng đại diện văn phòng tại Nhật Bản. Một kỹ sư Sony khác, Masaharu Tokuhara, người nắm giữ những công nghệ xử lý hình ảnh của Sony đã về đầu quân cho Samsung TV tại Nhật Bản.
Vinh quang cũ

"Đừng vội đánh giá thấp sức mạnh của Sony. Danh tiếng Sony vẫn chưa thể lùi vào thời quá vãng", ông Damian Thong, một chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Macquaire trụ sở tại Tokyo đưa ra nhận định. Sự ra đời của dòng di động smartphone và camera thịnh hành cũng như máy chơi game dự định trình làng trong tháng 11 tới là những dấu hiệu cho thấy công ty vẫn hoàn toàn chưa mất “bản sắc” riêng cùng sức mạnh.

“Nếu Sony thật sự không còn nhân tài nào ở lại thì chúng ta không thể thấy được những sản phẩm như RX100, máy quay phim tốt nhất trên thị trường hiện nay”, ông Thong bổ sung.
Thay đổi chiến lược

Các bộ phận kinh doanh thiết bị giải trí và bảo hiểm của Sony đang triển khai các chiến lược phát triển kinh doanh. Hai xu hướng toàn cầu: già hóa dân và nhu cầu chi cho các vấn đề sức khỏe tăng lên hứa hẹn mang những mối lợi cho việc kinh doanh của Sony.

Cộng tác với hãng Olympus, Sony đẩy mạnh đầu tư vào các thiết bị y tế. Dự báo doanh thu của Sony trong năm nay khoảng 500 triệu USD.

Có những dấu hiệu sớm cho thấy chủ tịch Sony đang thay đổi chiến lược. Ông chi mạnh cho công nghiên cứu và phát triển, ngân sách chi tăng 9% trong năm ngoái. Ông Hirai cũng dành thời gian tham quan các văn phòng, nhà máy và phòng thí nghiệm của Sony ở 16 quốc gia trên thế giới từ ngày tiếp quản công ty từ chủ tịch tiền nhiệm Howard Stringer.

Theo cựu chủ tịch Minoru Morio, Hirai là người yêu thích các món đồ công nghệ. "Ông đưa ra rất nhiều câu hỏi, hoàn toàn khác với những người tiền nhiệm, họ không chuyên tâm vào điều gì và chỉ giỏi nói".

Hiện tại, người đàn ông 52 tuổi, học chuyên ngành xã hội học, trước khi được bổ nhiệm chức giám đốc điều hành, làm tại bộ phận sản xuất và kinh doanh các thiết bị nghe nhạc của Sony, sẽ gặp khó trong việc khôi phục bộ phận sản xuất các thiết bị điện tử. Riêng đơn vị sản xuất TV cũng đã thua lỗ gần 8 tỷ USD trong 9 năm qua.

Làm tươi mới dòng sản phẩm
Dòng Smartphone Xperia ra đời trong bối cảnh thị trường đã có rất nhiều “anh tài”. Song vào tháng trước, mẫu điện thoại Ultra đã được tờ Enagadget đánh giá là điện thoại tốt nhất trên thị trường hiện nay.

Playstation 5 xuất hiện trong bối cảnh có rất nhiều người sử dụng các thiết bị di động và máy tính bàn để chơi game. Bên cạnh đó, cảm biến CMOS, tính năng hoạt động như con mắt kỹ thuật số tích hợp trong điện thoại di động và máy quay của các hãng Apple hay Samsung, vẫn là thành quả sau nhiều thập niên nghiên cứu của Sony.

"Họ đang gặt hái mùa vụ đã gieo trồng một thời gian rất lâu trước đây, Sony không có thêm những sáng tạo mới nữa. Đó là vấn đề lớn nhất của họ", tác giả Tateishi của cuốn "Tạm biệt Sony" bình luận.

Vào mùa đông năm 2000, khi người cũ của Sony, kỹ sư Oguro tới nhà máy sản xuất máy quay (camcorder) của Samsung tại Suwon, Hàn Quốc, công ty trông không có gì giống với hình ảnh ngày nay của một hãng thống trị thị trường toàn cầu các thiết bị di động thông minh, TV và bán dẫn. Các máy quay video của Samsung hồi đó là "những sản phẩm không thể bán được", theo một báo cáo mật của Sony, và Oguro cho biết báo cáo này đã xuất hiện đầy bí ẩn ở văn phòng làm việc của ông.
Màn hình phủ bụi

Oguro chứng kiến cảnh tượng các công nhân của nhà máy Samsung không hề đeo găng tay và mũ bảo hộ lao động. Các cấu kiện nằm la liệt trên khay đựng và chắc đã lâu nên mạng nhện phủ đầy.

Oguro đã đưa cấp trên, cũng giống như hầu hết những lãnh đạo khác của công ty không bao giờ đến thăm nhà xưởng, tới phòng kiểm tra chất lượng.
Tại đây ông phải lần theo từng chữ cái trên những màn hình phủ bụi vốn được dùng để kiểm tra chất lượng hình ảnh. Ông muốn cho lãnh đạo biết mức độ bẩn của căn phòng này ra sao. Sau đó ông bắt đầu lau chùi. Trong một bản báo cáo bị rò rỉ của Sony một năm sau đó có nội dung: "Bước tiến lớn về chất lượng". Không biết lý do".

"Lý do chính là tôi", Oguro khẳng định. Tiếp theo ông thiết kế ra máy quay Miniket, có kích cỡ bằng một bao thuốc lá, sản phẩm này đã đưa Samsung lên trang bì của tạp chí BusinessWeek năm 2004.

"Công ty Hàn Quốc đã tạo ra một trong những món đồ công nghệ tuyệt vời nhất trên thế giới. Hiện nay hãng đang làm tươi mới hình ảnh để trở nên hoàn hảo. Sony phải mất ba năm để theo kịp", tạp chí BusinessWeek đánh giá.

Sứ mệnh mới

Oguro cho rằng chức vị giám đốc, mức lương gấp đôi và một chiếc xe công có lái xe đưa đón không phải là những tiêu chí để ông đầu quân cho Samsung, mà hơn hết đó là quyền tự do sáng tạo - đây là điều mà Sony đã đánh mất vào những năm 2000.

"Samsung muốn tôi nâng chất lượng của camcorder, và họ cho phép tôi làm theo ý mình, tất cả tùy thuộc vào tôi. Một lần nữa tôi mang sứ mệnh lớn", Oguro bộc bạch.Sony phát triển từ đổng đổ nát sau chiến tranh của Nhật Bản. Công ty từng là một biểu tượng của sự khôi phục đất nước và trở thành một thế lực kinh tế. Công ty do hai đối tác kinh doanh thành lập: Masaru Ibuka, một người sáng tạo không ngừng, đưa các kỹ sư tới những tầm cao mới; và Akio Morita - người mang đến thị hiếu và tầm nhìn cho khách hàng.

Trong bố cáo thành lập của Sony do Ibuka viết tay năm 1946 có dòng mô tả công ty "là một nơi làm việc ổn định, các kỹ sư có thể thỏa sức làm việc theo ý thích và niềm vui với công nghệ".

Hai nhà sáng lập Masaru Ibuka và Akio Morita
Hai nhà sáng lập Masaru Ibuka và Akio Morita

Họ đã ghi điểm với người tiêu dùng hồi đó với hàng loạt danh sách sản phẩm ấn tượng: máy ghi băng đầu tiên của Nhật Bản, đài bán dẫn transistor, TV di động đầu tiên trên thế giới và máy ghi băng video.

Vào năm 1998, Sony đã soán ngôi Coca-Cola trở thành thương hiệu được biết đến nhiều nhất và danh giá nhất đối với người tiêu dùng Mỹ, theo thăm dò dư luận của hãng Harris.

Tủ đồ chơi

Tinh thần Sony lên cao khi Susumu Kusakabe, một nhân tài đã sáng chế ra máy sao chép đĩa mềm với số lượng lớn khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đã đầu quân cho Sony vào năm 1981.

Phòng nghiên cứu của Sony tại Tokyo nơi anh làm việc có một chiếc giá gắn bao quanh các bức tường, với hàng nghìn ngăn kéo chứa các vi mạch và cấu kiện. Đó là một bộ xếp hình Lego đỉnh cao dành cho những nhà sáng chế.

Có một kỹ sư chỉ dành thời gian chơi xung quanh chiếc giá cấu kiện này cũng đã sáng chế ra Walkman, dòng sản phẩm huyền thoại của Sony.

Vào thời điểm Kusakabe rời công ty năm 2005, những người phụ trách phòng kế toán nhận lại những chiếc chìa khóa tủ. Những kỹ sư thế hệ sau này muốn mở tủ cần phải điền vào mẫu đơn xin phép và đợi được chấp thuận song họ thường bị từ chối.

Người đầu tiên ra đi
Vào thời điểm Sony cắt giảm nhân sự, công ty yêu cầu Kusakabe giải thích chương trình về hưu sớm cho nhân viên của anh, anh đã quyết định là người ra đi đầu tiên. Kusuakebe hiện điều hành công ty Quadrac, chuyên phát triển vi mạch cho điện thoại di động.

Nhiều bằng chứng hơn cho thấy Sony đã mất phương hướng, ví dụ có thể thấy ở bảo tàng công ty gần trụ sở Tokyo, nơi cựu phó chủ tịch Morio vẫn còn giữ lại một văn phòng sau nửa thế kỷ làm việc ở Sony: có một bức tượng đồng bán thân của người sáng lập Ibuka chào đón khách tham quan khi họ bước ra khỏi cầu thang máy trên tầng hai.

"Thế hệ của tôi nhận lệnh trực tiếp từ những người sáng lập, chúng tôi không bao giờ bị hỏi về biên lợi nhuận. Chưa một lần nào. Chúng tôi chỉ muốn là người đầu tiên đưa ra những sản phẩm chất lượng nhất", Morio kể lại.

Áp lực

Vào thời điểm Morio trở thành giám đốc, những con số trở thành một áp lực. Bong bóng kinh tế Nhật Bản nổ ra, kỷ nguyên analog từng thống trị đã bị thay thế bởi công nghệ số, từ đó tạo sân chơi mới cho những tân binh.

Vào năm 1999, công ty Sony đã có 185000 lao động, gấp 4 lần nhân viên hiện nay của Google.

Hệ thống đánh giá theo dõi lợi suất trên số tiền đầu tư ở mỗi một bộ phận kinh doanh của Sony đã khiến các giám đốc không dám mạo hiểm để sáng tạo miễn là các công nghệ cũ vẫn đang làm ra tiền.

"Đó là lý do lớn giải thích tại sao Sony lại chậm chuyển đổi sang sản xuất TV màn hình phẳng, và phải nhường vị trí dẫn đầu cho các đối thủ Hàn Quốc", Sea-Jin Chang, tác giả của cuốn "Sony đối đầu với Samsung" cho biết.

"Chúng tôi tập trung vào những gì ngắn hạn, và đó không phải cách bạn xây dựng cho tương lai", Morio nói. "Nếu tôi gặp gỡ Hirai, tôi sẽ nói với ông ta rằng: Không phải lỗi của anh. Trách nhiệm của anh giờ là tìm ra những chiến lược kinh doanh mới áp dụng cho 10 năm tới".

Nguồn Dân Việt


Sự kiện