Thứ Sáu | 21/11/2014 21:05

Thế giới vừa trải qua tháng 10 nóng nhất trong lịch sử khí tượng

Đây là tháng Mười thứ 38 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn mức nhiệt kỷ lục được ghi nhận ở các năm 1998 và 2010.

Tháng 10/2014 đã trở thành tháng Mười nóng nhất trong lịch sử khí tượng thế giới kể từ khi các chuyên gia bắt đầu thu thập và ghi chép dữ liệu về nhiệt độ trung bình của Trái Đất từ năm 1880.

Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia của Mỹ (NOAA) ngày 20/11 cho biết nền nhiệt trung bình toàn cầu trên cả mặt đất và đại dương trong tháng Mười vừa qua đạt 14,74 độ C, cao hơn 0,01 độ C so với nhiệt độ nóng kỷ lục trước đó. Đây là tháng Mười thứ 38 liên tiếp nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn mức nhiệt kỷ lục được ghi nhận ở các năm 1998 và 2010.

Sau khi phân tích và đánh giá các số liệu thu thập trên phạm vi toàn cầu, NOAA cho biết tình trạng tăng nhiệt độ diễn ra tại hầu hết các khu vực trên Trái Đất, trừ vùng lãnh thổ rộng lớn tại Trung Á. 

Nhiệt độ tăng cao kỷ lục được ghi lại tại khu vực rộng lớn của miền Nam Nam Mỹ, khu vực duyên hải miền Tây nước Mỹ, vùng Cận Đông của Nga, các phần phía Nam và Đông Nam châu Á, khu vực miền Tây và Nam của Australia và những phần của miền Nam châu Âu.

Australia ghi nhận tháng 10/2014 là tháng Mười nóng thứ hai kể từ năm 1998. Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Đan Mạch, Đức và Áo cũng báo cáo tình trạng tương tự. Tại Mỹ, tháng này cũng là tháng 10 có nhiệt độ cao thứ tư kể từ khi quốc gia này công bố nhiệt độ kỷ lục cao hơn mức nhiệt trung bình trong thế kỷ 20 là 1,7 độ C.

Tháng 10/2014 cũng là tháng có nhiệt độ trung bình mặt đất toàn cầu là ở mức cao thứ năm. Nhiệt độ bề mặt đại dương toàn cầu là 16,1 độ C, mức cao thứ sáu của tháng 10. 

Tình trạng nhiệt độ cao kỷ lục được ghi nhận tại nhiều đại dương lớn, hầu hết nền nhiệt tại Ấn Độ Dương đều tăng cao kỷ lục hoặc có nhiệt độ cao hơn mức trung bình.

Cũng theo NOAA, tại Bắc Cực, tháng 10/2014 cũng là tháng Mười có diện tích bề mặt băng trung bình nhỏ thứ sáu tính từ khi các nhà khoa học áp dụng biện pháp đo chính xác bằng vệ tinh từ năm 1979. Thời tiết ấm hơn cũng làm diện tích bề mặt băng tại Nam Cực thu hẹp, kết thúc sáu tháng liên tiếp diệc tích đóng băng mở rộng trong khu vực.

Đầu tháng này, Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cảnh báo rằng không còn nhiều thời gian để thực thi các nỗ lực nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất đến năm 2100 ở mức 2 độ C so với mức nhiệt độ của thời kỳ tiền công nghiệp.

Báo cáo cho biết Trái Đất sẽ tăng thêm ít nhất 4 độ C và sẽ gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan khi băng tan.

Tình trạng này sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường sống, làm một số loài biến mất và thậm chí gây ra những cuộc chiến tranh do tranh giành các nguồn tài nguyên.

Sau nhiều năm các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu rơi vào bế tắc, Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn thế giới và cũng là hai nước gây ô nhiễm nhiều nhất đã ký thỏa thuận hợp tác chống biến đổi khí hậu.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU), khu vực được coi là nguồn ô nhiễm lớn thứ ba thế giới, cũng cam kết cắt giảm hiệu ứng nhà kính ít nhất 40% vào năm 2030 so với mức của năm 1990.

Những động thái này đang làm gia tăng hy vọng vòng đàm phán toàn cầu về biến đổi khí hậu tại Paris (Pháp) vào cuối năm 2015 sẽ có bước đột phá.

Nguồn TTXVN/Vietnamplus