Thế giới vẫn hiểu sai về thị trường Trung Quốc?
Nhưng trong cuốn sách mới có tên: “Myth-Busting China's Numbers: Understanding and Using China's Statistics," “ (Tạm dịch: “Khám phá bí ẩn của số liệu Trung Quốc: Hiểu và dùng số liệu thống kê của Trung Quốc”), ông Matthew Crabbe khẳng định hầu hết các nhà đầu tư đang nhìn nhận một cách méo mó so với thực tế.
Ông trả lời phỏng vấn tạp chí Business Insider khẳng định điều các nhà đầu tư quốc tế hay lầm tưởng nhất là họ mặc định người tiêu dùng Trung Quốc là một thị trường lớn, trong khi thực chất họ phân tán thành những thị trường nhỏ hơn và mang tính địa phương.
“Thực sự, bạn không thể nhảy vào Trung Quốc và tưởng rằng mình có thể tiếp cận 1,3 tỷ người tại đây. Nhiều người cho rằng Trung Quốc là một thị trường lớn, nhưng không phải. Đây là một quốc gia lớn, bao gồm rất nhiều thị trường nhỏ và mang tính địa phương ở bên trong”.
Vì vậy, ông khẳng định nếu muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc, các nhà đầu tư phải thấu hiệu khách hàng tiềm năng của họ là ai, từ đó xây dựng cơ sở vật chất tại nơi họ sinh sống, và bạn phải bằng lòng với số lượng khách hàng hạn chế đó.
Đương nhiên tầng lớp khách hàng mà bạn nhắm tới sẽ gia tăng, nhưng bạn không thể ôm đồm quá mức, vì có rất nhiều thứ cần tìm hiểu, như nhu cầu, thói quen mua sắm... của khách.
Không những vậy, mọi xu hướng thay đổi cực kỳ nhanh, những điều có thể là mốt từ năm trước, thì năm nay đã được coi là lạc điệu, ông nhấn mạnh.
“Vấn đề mấu chốt là phải vạch ra những hạn chế đó và có cái nhìn thực tế với chúng, đây là một trong những vấn đề các công ty đa quốc gia đang gặp phải tại Trung Quốc. Họ đã rơi vào cái bẫy có tên ‘giấc mơ Trung Hoa’”, ông Crabbe nói.
Vậy các công ty đa quốc gia phải tìm được số liệu nào để xác định thị trường trọng tâm?
Trả lời câu hỏi này, ông Crabbe kể một câu chuyện ông nghe từ một nữ doanh nhân người Mỹ. Bà là đại diện cho một tập đoàn giải trí rất lớn, tập đoàn này đang dự định xây một công viên nước tại Thượng Hải.
Bà kể rằng đây cũng là câu hỏi đang làm bà trăn trở sau khi đã xác định được phân khúc khách hàng mục tiêu ở Trung Quốc. Bà có trong tay rất nhiều số liệu, nhưng không cái nào truyền tải lại được đúng tình hình mà trụ sở công ty ở Mỹ cần đề xây dựng kế hoạch.
Theo ông Crabbe, một trong những điểm mấu chốt nhất khi nhìn vào số liệu là phải tìm ra được sự khác biệt giữa các thị trường nhỏ thuộc Trung Quốc.
Một ví dụ được ông đưa ra là thị trường tại Vân Nam và Hắc Long Giang ở phía Đông Bắc. Hai thị trường này đều có dân cư đông đúc và thu nhập cao, nhưng nếu kỳ vọng khách hàng ở hai tỉnh hành động giống nhau thì rất sai lầm.
Vân Nam là tỉnh cận nhiệt đới, nên đồ ăn, lối sống,… và cả thói quen tiêu dùng của họ cũng khác Hắc Long Giang.
Vì vậy, các công ty nước ngoài tại Trung Quốc phải đi sâu và tìm hiểu kỹ về cả các mặt địa lý, văn hóa... nói chung là những tài sản vô hình của thị trường địa phương họ nhắm tới, chứ không chỉ về mặt tài chính, ông đưa ra lời khuyên.
Nguồn Bizlive