Thứ Ba | 02/12/2014 19:50

Thế giới trên bờ vực khủng hoảng tín dụng vì giá dầu lao dốc

Đà lao dốc của giá dầu không còn là nỗi lo riêng của các nước xuất khẩu dầu nữa.

Kinh tế thế giới có thể sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng tín dụng lớn nếu đà trượt giá tự do của giá dầu gây ra làn sóng vỡ nợ trên thị trường trái phiếu lợi suất cao, thậm chí lan dần sang cả thị trường chứng khoán.

Điều này không có gì là lạ khi các doanh nghiệp năng lượng trên thực tế, vốn là những tổ chức phát hành trái phiếu lợi suất cao nhiều nhất trong vài năm qua trong khi chỉ sở hữu 5% thị phần (theo số liệu của năm 2005). Theo một số nguồn tin, khối doanh nghiệp năng lượng đã phát hành khoảng 15% - 20% trái phiếu lợi suất cao định giá bằng USD.

Mấu chốt là hiện nay, phần lớn số nợ này đều được ghi trên sổ sách của các ngân hàng, quỹ quản lý tài sản và quỹ trợ cấp. Vì vậy, nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu hơn nữa, gây thiệt hại nặng nề cho khối doanh nghiệp năng lượng thì rủi ro vỡ nợ sẽ càng tăng cao, đẩy các ngân hàng, vốn phụ thuộc rất lớn vào thị trường trái phiếu liên ngân hàng lợi suất cao, vào tình trạng cạn kiệt thanh khoản.

 

Hiện nay, giá dầu WTI đã giảm hơn 36% kể từ sau tháng 6 đến nay trong khi giá dầu Brent cũng liên tiếp giảm trong 5 tháng gần đây. Kết quả là, giá trị tài sản của Quỹ trái phiếu lợi suất cao Credit Suisse đã giảm 6% trong khi giá cổ phiếu của lĩnh vực ngân hàng lại tăng hơn 8% trong cùng kỳ. Theo nhận định một số chuyên gia, khi thị trường trái phiếu lợi suất cao hoạt động kém hiệu quả hơn thị trường chứng khoán thì sẽ xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng lớn.

Theo công cụ phân tích định tính Kensho (thường được các quỹ phòng hộ sử dụng), đã có 12 lần giá trị của các quỹ trái phiếu lợi suất cao giảm ít nhất 10% trong 60 ngày. Ngay sau đó, doanh thu trung bình trên mỗi cổ phiếu của Citigroup là âm 8%, của Bank of America là âm 6% và của JPMorgan là âm 5%.

Trong khủng hoảng gần đây nhất liên quan đến lĩnh vực bất động sản, giá trị tài sản của Citigroup đã giảm 63% trong khi giá trị tài sản của Bank of America giảm một nửa trong 60 ngày sau đó.

Tuy nhiên theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng tín dụng liên quan đến lĩnh vực năng lượng nếu xảy ra cũng sẽ không gây ra những thiệt hại nghiêm trọng như trên.

Nguồn DVO/ CNBC