Thế giới sẽ có thêm nhiều Venice do nước biển dâng cao
Thật không may, biển luôn luôn ẩn chứa những nguy cơ tiềm tàng với con người. Trong khi số lượng người sinh sống tại các khu vực ven biển tăng, mực nước biển trên toàn thế giới cũng đồng thời tăng theo. Trong giai đoạn từ 1950 đến 2009, mực nước tại các bờ biển trên toàn thế giới đã tăng từ 0,6 đến 1 milimet mỗi năm.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi nước biển nuốt chửng những khu vực có địa thế thấp so với mực nước biển?
Trên thực tế, rất ít người tỏ ra quan tâm nếu một vùng đất, một hòn đảo hay thậm chí là một quốc gia nào đó trên Thái Bình Dương bị nhấn chìm trong một vài thập kỷ tới. Tuy nhiên, vấn đề là quá trình này diễn ra rất chậm và lâu dài, do đó những người dân sống ở những khu vực này sẽ không thể nhận ra mối nguy cơ để di chuyển tới những vùng đất có địa thế cao hơn.
Tuy nhiên, tình hình thời tiết khắc nghiệt thời gian qua đã làm vấn đề mực nước biển càng trở nên nghiêm trọng hơn, điển hình là trận siêu bão Sandy đổ bộ vào nước Mỹ hồi đầu tuần qua. Có thể nói, cơn bão Sandy khiến nhiều người tưởng nhớ lại thảm họa bão Katrina hồi 2005 tại thành phố New Orleans. Cũng giống bão Katrina, Sandy chính là lời cảnh báo về sự diệt vong của các thành phố ven biển trong tương lai.
Cũng giống như nhiều nơi khác trên thế giới, hai thành phố trên của nước Mỹ đều là các thành phố gần biển và có địa thế khá thấp. Kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy đến với New Orleans và New York đó là cả hai sẽ bị nhấn chìm dưới nước biển. Điều hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu một vài trận bão như Sandy hay Katrina tiếp tục tấn công vào bờ biển nước Mỹ. Khi đó nước biển sẽ tiếp tục tăng, không đáng kể những đều đặn cho đến khi cả hai thành phố hoàn toàn ngập trắng như thành phố Venice của Italia.
Không chỉ ở nước Mỹ, danh sách những "siêu thành phố" có khả năng bị đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng cao còn khá dài, thậm chí một vài trong số đó hiện tại đang thường xuyên phải đối mặt với tình trạng lũ lụt ven biển.
Những tên tuổi có nguy cơ bị đe dọa cao nhất, bao gồm: Mumbai (Ấn Độ) với 2,8 triệu dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt; Thượng Hải (Trung Quốc) với 2,4 triệu dân; Miami (Mỹ) với 2 triệu dân; Alexandria (Ai Cập) với 1,3 triệu dân; Tokyo (Nhật Bản) với 1,1 triệu dân; Bangkok (Thái Lan) với 900 nghìn dân...
Tuy nhiên, danh sách này thiếu vắng một số thành phố lớn, nằm thấp hơn mực nước biển và có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề khi nước biển dâng cao, điển hình là London và Amsterdam. Có thể những thành phố này không có trong danh sách bởi họ sở hữu những công nghệ chống lũ tiên tiến. Mặc dù vậy, các nhà khoa học dự báo những hệ thống bảo vệ này sẽ vô dụng vào năm 2050 khi nước biển dâng cao.
Thế giới sẽ có thêm nhiều thành phố như Vernice trong tương lai? |
Theo các nhà khoa học, xây dựng tường ngăn lũ là giải pháp tốn kém nhất, song cũng chỉ mang tính tạm thời và độ bền vững khá mỏng. Bên cạnh đó, không phải thành phố nào trên thế giới cũng đủ kinh phí để tạo ra một bức màn bảo vệ thành phố lớn đến như vậy, và họ buộc phải tìm kiếm các vùng đất cao hơn để tránh lũ. Theo Chương trình nghiên cứu biến đổi toàn cầu của Mỹ, những thành phố ven biển có thể lựa chọn giải pháp xây dựng hoặc nâng cao các phần có nguy cơ bị ngập, hoặc di chuyển sâu vào trong nội địa khi nước biển dâng cao hơn.
Tuy nhiên, tại một số quốc gia, điển hình như Hà Lan - quốc gia tiên phong về chống lũ lụt biển, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra xoay quanh việc liệu có nên bỏ những vùng đất bị ngập, các vùng bị ngập, đầm lầy hay đất nông nghiệp và phó mặc chúng bị nước biển nhấn chìm. Bên cạnh đó, nước biển tăng cao cũng khiến chi phí duy trì thành phố tăng cao hơn.
Một ví dụ điển hình của vấn đề này chính là thành phố Venice. Kể từ khi thành lập vào thế kỷ thứ 6, được xây dựng trên nền quần đảo Adriatic và là nơi trú ẩn an toàn trước nạn cướp bóc của người Ostrogoth và sự xâm lăng của những bộ tộc man di, trung bình mỗi thế kỷ thành phố Venice lại chìm 1,5 inch dưới mực nước biển. Tuy nhiên, thủy triều tăng cao kết hợp với nền đất yếu của thành phố đang khiến quá trình này đẩy nhanh hơn gấp 5 lần.
Mới đây, chính quyền thành phố đã cho triển khai dự án MOSE, xây dựng một bức tường ngăn lũ như của Anh, Hà Lan và Nga, dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Khi hoàn tất, bức tường sẽ giúp thành phố Venice tránh được sự tấn công của các đợt triều cường. Tuy nhiên, dự án cũng gây khá nhiều tranh cãi do quá tốn kém (4,7 tỷ euro), trong khi vẫn có một số phương án khác như lắp đặt hệ thống hút bùn ngầm dưới đáy thành phố để ngăn chặn hiện tượng sụt lún.
Cho đến hoàn toàn bị nhấn chìm và biến mất dưới sóng biển, Venice sẽ vẫn là thành phố biểu tượng cho sự lãng mạn. Mặc dù vậy, sự lãng mạn đó sẽ nhanh chóng chấm dứt khi ngày càng có nhiều trận bão như Sandy hay Katrina biến các thành phố ven biển thành những Venice mới.
Khi những thành phố này càng phát triển, mực nước biển cũng không ngừng dâng cao, và với tình hình thời tiết khắc nghiệt như hiện tại, chẳng sớm thì muộn những thành phố kiểu như Venice sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Nguồn Foreignpolicy/Khampha