Thế giới nghĩ gì khi chính phủ Mỹ ngừng hoạt động?
Hiệu ứng của cuộc chiến ngân sách đã lan ra toàn cầu, làm tê liệt một hệ thống báo động động đất hàng đầu, khiến các nhà khoa học Mỹ phải rút ra khỏi các cuộc hội thảo quốc tế, còn vị tổng thống phải "muối mặt" hủy tất cả những chuyến công du Châu Á..
Tân hoa xã của Trung Quốc đã có những dòng bình luận đầy chỉ trích: Tình hình ở Washington một lần nữa cho thấy mặt xấu của hệ thống chính trị nhiều Đảng phái. Người sử dụng mạng xã hội Trung Quốc đã thể hiện giọng điệu chế giễu chính phủ Mỹ đóng cửa lần đầu trong 17 năm, kể từ năm 1995. "Đóng cửa ư! Thế còn tiền Trung Quốc đầu tư vào đó thì sao?", một blogger đăng tải trên Sina Weibo. Anh ta ám chỉ đến số tiền lớn Bắc Kinh đã chi để mua trái phiếu chính phủ Mỹ.
Mặc dù một số thị trường toàn cầu gần đây đã sôi nổi trở lại, nhưng vẫn còn rất nhiều nỗi lo lớn về những tác động lên nền kinh tế Mỹ nếu Cục dữ trữ Liên Bang (Fed) cắt giảm kích thích kinh tế.
Ngoài việc đi đến thỏa thuận ngân sách để chính phủ hoạt động trở lại, Quốc hội buộc phải thống nhất trong vòng 2 tuần để nâng trần nợ lên mức 16,7 nghìn tỷ USD, nếu không kịch bản vỡ nợ rất dễ xảy ra.
Nếu Mỹ thật sự vỡ nợ thì đó chính là tín hiệu dành cho thị trường rằng Mỹ không còn là một "con nợ" đáng tin cậy. Đồng thời căn cứ trên số nợ nước Mỹ đang gánh thì đó thực sự là một thảm họa", David Smith, giảng viên của trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney bình luận.
Các nền kinh tế mới nổi cũng bị tác động không hề nhỏ, dẫn đến những nhiễu loạn trên thị trường gần đây trước dự báo Mỹ sẽ cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng.
"Chính phủ Mỹ đóng cửa là điều bất hạnh đối với toàn bộ thế giới. Thậm chí những quốc gia như Philippines cũng bị tác động kinh tế bởi trò chơi chính trị "trẻ con" ở Washington", bộ trưởng tài chính Phillippine, ông Cesar Purisima bình luận.
Ông kêu gọi Mỹ nên giải quyết ngay vấn đề bằng cách nâng trần nợ, đây là một mối quan tâm đặc biệt đối với các nước Châu Á đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản, những chủ nợ lớn của Mỹ. Mỹ vợ nợ là một điều không tưởng trong lịch sử nhưng giờ đây lại có thể xảy ra bởi tình hình chính trị rối ren hiện nay, và từ đó có thể dẫn đến hỗn loạn chưa từng có trước đây ở các thị trường tài chính toàn cầu", ông Purisima cảnh báo.
Tờ Tin nhanh Ấn Độ đã gọi sự việc Mỹ đóng cửa chính phủ là một "trò nhảy múa quen thuộc của lũ trẻ nhỏ ở Washington". Tại Nhật Bản, các kênh truyền hình đã trình chiếu những hình ảnh của các tượng đài bị đóng cửa, đơn cử như Tượng Nữ Thần Tự Do. Tờ Nikkei đã bình luận đây là "một cuộc xung đột chính trị vô nghĩa".
Ở Châu Âu, nơi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi suy thoái vẫn đang nỗ lực để phục hồi sau nhiều năm ảm đạm, những người đứng đầu các cơ quan tài chính bày tỏ quan ngại sâu sắc về hiểm họa phục hồi rất mong manh.
"Chính phủ ngừng hoạt động là một mối họa nếu thời gian kéo dài. Đó không chỉ là rủi ro đối với Mỹ mà toàn bộ kinh tế thế giới", Mario Draghi, chủ tịch ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo.
Mặc dù các hoạt động làm hộ chiếu và chứng nhận thị thực vẫn hoạt động nhưng cuộc khủng hoảng ở Washington đã khiến hàng trăm nghìn lao động liên bang phải nghỉ việc, các bảo tàng và công viên quốc gia đóng cửa, nhiều dự án nghiên cứu bị đình trệ.
Một nhà nghiên cứu Mỹ đã mất 30 tiếng để bay tới Perth, Úc để tham dự một hội thảo khoa học, nhưng ông cảm thấy như có rào cản vô hình không cho ông trình bày công trình nghiên cứu về bệnh Parkinson. "Đó thực sự là một nỗi sỉ nhục quốc thể nếu tôi tiếp tục diễn thuyết hay thậm chí tham dự hội thảo. Tôi đã chuẩn bị một thời gian rất dài để đến được đây và diễn thuyết. Nhưng tất cả nỗ lực đó đã trở nên hoài công thời điểm này", Michael Lazarou phát biểu với kênh truyền hình Úc ABC.
Nguồn Huffingtonpost