Ảnh: vietnamnet.vn

 
Hà Linh Thứ Tư | 19/06/2019 06:17

Thế giới muốn đa dạng hóa dự trữ, thời kỳ thống trị của đồng USD sắp kết thúc?

Tỷ lệ dự trữ bằng USD trên thế giới đang giảm, trong khi đồng Euro và Nhân dân tệ của Trung Quốc đang trở nên phổ biến hơn.

Điều này đặt ra câu hỏi liệu có phải thời kỳ thống trị của đồng USD sắp kết thúc?

Mặc dù các chính sách thương mại của Mỹ là một phần nguyên nhân khiến các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tìm cách đa dạng hóa nguồn tiền dự trữ, song đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ nhiều nhất vì một lý do: đồng USD được sử dụng trong hầu hết các giao dịch. Mỹ có nền kinh tế mạnh và đồng USD được hỗ trợ bởi niềm tin vào Trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ.

Theo báo cáo của ngân hàng trung ương châu Âu, năm ngoái, tỷ lệ dự trữ toàn cầu của đồng USD đã giảm xuống dưới 62%. Đây là mức thấp nhất kể từ khi Liên minh kinh tế và Tiền tệ tại châu Âu được thành lập vào năm 1992. Hiện tại, tỉ lệ dự trữ của đồng USD thấp hơn 7% so với trước khủng hoảng tài chính.

Nhưng tổng số USD nắm giữ trên thế giới thực sự đã tăng lên trong năm ngoái.

Marc Chandler, chiến lược gia thị trường tại Bannockburn Global Forex, cho biết: "Đã có một số biến động trong tỉ lệ dự trữ, nhưng lượng nắm giữ đồng USD vẫn tăng lên do tổng dự trữ toàn cầu cũng tăng”.

Các ngân hàng trung ương và các định chế nắm giữ USD và Trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, để dự phòng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng - và cũng để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thanh toán quốc tế.

Các loại tiền tệ khác như đồng Euro và gần đây hơn, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc được sử dụng để đa dạng hóa và hạn chế rủi ro của đồng USD. Tỷ lệ dự trữ Nhân dân tệ đạt gần 2% trong năm ngoái, gần gấp đôi so với đầu năm 2017. Đồng euro là đồng tiền dự trữ phổ biến thứ hai với thị phần toàn cầu gần 21%, bất chấp sự suy yếu của đồng tiền này sau khi Chủ tịch ECB Mario Draghi nói về chính sách kích thích tiền tệ trong khu vực đồng euro. 

The gioi muon da dang hoa du tru, thoi ky thong tri cua dong USD sap ket thuc?
 

Tỷ lệ dự trữ đồng USD đang giảm dần. Ảnh: Vietnamnet.

Chính trị đóng vai trò lớn trong những thay đổi trên. Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia đối tác.

Cả chính trị và biến động thị trường đều có thể là nguyên nhân cho việc sụt giảm thị trường của đồng USD năm ngoái.

Một số ngân hàng trung ương tích cực đa dạng hóa dự trữ của họ, giảm sự phụ thuốc vào đồng USD, sau những hành động gần đây của chính quyền Mỹ.

"Một ví dụ là Nga, một trong những quốc gia nắm giữ dự trữ lớn nhất thế giới, đã bán lượng dự trữ khoảng 100 tỷ USD sau các vòng trừng phạt mới của Mỹ và mua lượng dự trữ bằng đồng Euro và đồng Nhân dân tệ, trị giá quy đổi gần 90 tỷ USD trong quý II/2018”, báo cáo của ECB cho biết.

Dự trữ của Trung Quốc cũng giảm khoảng 60 tỷ USD trong năm 2018 trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, theo báo cáo.

Nhưng một vấn đề cơ bản đối với các ngân hàng trung ương là chọn được một đồng tiền thay thế cho đồng USD với khả năng thanh khoản và độ phổ biến tương tự đồng USD, theo Neil Mellor, chiến lược gia về tiền tệ tại BNY Mellon cho biết. Điều đó có nghĩa là, đa dạng hóa dự trữ tiền tệ là một phương án tốt, tuy nhiên với một số chính phủ thì họ không có đủ tiềm lực kinh tế để thực hiện.

► Nếu Trump mở rộng áp thuế, Trung Quốc sẽ để Nhân dân tệ sẽ vượt lằn ranh đỏ?

► London trở thành trung tâm giao dịch đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài

Một lý do khác khiến tỉ lệ dự trữ đồng USD bị giảm sút vào năm ngoái là các thị trường mới nổi, như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, họ đã bán rất nhiều dự trữ ngoại hối để ổn định nội tệ. Song tại thời điểm đó, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên, gây thiệt hại cho các nền kinh tế mới nổi, nhiều trong số đó có nợ bằng USD.

Từ tháng 3 đến tháng 9 năm 2018, ngân hàng trung ương tại các thị trường mới nổi đã bán khoảng 200 tỷ USD dự trữ ngoại hối, theo báo cáo của ECB.

Dự trữ toàn cầu của đồng USD có thể tiếp tục giảm trong tương lai ngay cả khi dự trữ chung tăng. Nhưng cho đến nay, đồng USD sẽ khó lòng đánh mất vị trí số 1.

Chandler, chiến lược gia thị trường Bannockburn cho biết: "Vẫn còn quá sớm để nói liệu đây có phải là khởi đầu của sự kết thúc của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ lớn nhất thế giới không". "Nếu tỷ lệ dự trữ đồng USD giảm xuống vì mọi người đã mất niềm tin [vào nước Mỹ] do suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính lặp đi lặp lại, thì đó cũng là một điều hợp lý. Nhưng nếu đó chỉ là để đa dạng hóa nguồn tiền dự trữ, thì đó chưa chắc là điều tốt".