Thế giới lo ngại khi sản lượng thép của Trung Quốc gia tăng
Sản lượng thép của Trung Quốc trong tháng 8 có mức tăng đáng kể so với tháng 7, làm gia tăng những lo ngại về tình trạng dư thừa công suất sẽ làm xáo trộn thị trường trên toàn thế giới.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc công bố vào ngày 13/9, cho biết sản lượng thép thô của nước này trong tháng 8 đã tăng 1,7% so với tháng 7, lên mức 66,94 triệu tấn. Tuy nhiên, con số này đã giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 8 tháng đầu năm, sản lượng thép thô của Trung Quốc cũng đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 543,02 triệu tấn. Mặc dù vậy, một mình Trung Quốc vẫn đang chiếm hơn một nửa tổng sản lượng thép của thế giới.
Việc sản lượng thép trong tháng 8 gia tăng, một phần để bù đắp lại sản lượng của các nhà máy thép chủ chốt tại tỉnh Hà Bắc bị đóng cửa. Sở dĩ các nhà máy này phải tạm ngưng hoạt động là do chủ trương của chính phủ Trung Quốc muốn cải thiện chất lượng không khí tại Bắc Kinh trước lễ kỷ niệm kết thúc chiến tranh Thế Giới thứ II.
Hiện nay các nhà sản xuất thép của Trung Quốc đang phải đối mặt với nhu cầu trong nước sụt giảm, nên phần sản lượng gia tăng có nhiều khả năng sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài. Theo số liệu của tổng cục hải quan Trung Quốc cho biết: lượng thép xuất khẩu trong tháng 8 đã lập một mức kỷ lục mới, khi tăng đến 25% so với năm ngoái.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện vẫn nằm dưới mức mục tiêu 7% của năm nay. Điều này khiến cho nhu cầu thép bị giảm đáng kể so với trước đây. Theo số liệu của Bloomberg, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong tháng 8 hiện ở mức 6,64%, gần như không có sự cải thiện nào so với tháng 7.
Ngành thép của Trung Quốc hiện đang trong tình trạng dư thừa công suất đáng báo động. Điều này sẽ buộc các công ty thép trên toàn thế giới phải vật lộn với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc. Một ví dụ tiêu biểu là chi nhánh Nam Phi của tập đoàn sản xuất thép lớn nhất thế giới ArcelorMittal đã yêu cầu chính phủ nước này kéo dài việc áp thuế nhập khẩu cho các mặt hàng đến từ Trung Quốc.
Đinh Hạnh
Nguồn Bloomberg