Thế giới đối mặt với nguy cơ bong bóng tín dụng mới
BIS cho biết lợi suất của các trái phiếu thế chấp đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Trong khi đó, lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007. Tỷ lệ vỡ nợ của các doanh nghiệp có xếp hạng đầu tư thấp hiện cao gấp 3 lần so với trước kia, trong khi tỷ lệ vỡ nợ của các công ty có xếp hạng đầu tư cao cũng xấp xỉ cao gấp 2 lần.
BIS nhận định hiện tại rất khó để các thị trường có thể lấy lại đà tăng trong bối cảnh nhiều tổ chức tài chính lớn tỏ ra khá bi quan về triển vọng kinh tế thế giới trong thời gian sắp tới.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã hạ triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2012 và 2013, trong đó cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng của châu Âu, cũng như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ.
"Hiện tại, bất chấp sự suy yếu trong triển vọng kinh tế toàn cầu, giá trị tài sản và thu nhập cố định lại tăng lên với tốc độ chóng mặt. Đây được coi là điều khá bất thường bởi trong quá khứ, sự suy giảm trong các dự báo tăng trưởng thường dẫn đến tỷ lệ vỡ nợ tăng cao cũng như đẩy lợi suất trái phiếu lên cao hơn", BIS cho biết.
Sự bất thường này càng trở nên đáng lo ngại hơn khi lợi nhuận của hàng loạt công ty hai bên bờ Đại Tây Dương trong năm nay giảm một cách đáng báo động. BIS cho biết kỳ vọng lợi nhuận đối với phố Wall đã giảm mạnh, trong khi số các công ty hạ dự báo tăng trưởng cũng "cao một cách bất thường". Bất chấp điều đó, giá các loại cổ phiếu tiếp tục tăng cao.
BIS cũng cho biết các quỹ đầu tư hiện đang phải chịu áp lực rất lớn trong việc tìm kiếm lợi suất an toàn trong số rất nhiều các loại trái phiếu, dù cho hầu hết trong số chúng đều được đánh giá tốt hơn.
"Rất nhiều nhà đầu tư trái phiếu cho biết không giống như trong quá khứ, hiện tại nếu rủi ro xảy ra, họ có rất ít có cơ hội nhận được bồi thường. Tuy nhiên, họ có rất ít lựa chọn thay thế trong bối cảnh lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng ở mức gần bằng 0, trong khi nguồn cung các loại tài sản đầu tư rủi ro thấp ngày một hạn chế", BIS cho biết.
Điều này khiến nhiều người liên tưởng tới giai đoạn 2006-2008, thời điểm các nguồn vốn giá rẻ tràn ngập khắp thế giới dẫn tới tình trạng dư thừa tiết kiệm và đẩy lợi suất trái phiếu lên cao quá mức, đồng thời khiến các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí đưa ra quyết định sai lầm là mua nợ của Hy Lạp và Iceland - hai trong số các loại tài sản bị định giá sai.
BIS cho rằng việc các loại tài sản đồng loạt tăng giá trong thời gian qua chủ yếu do tâm lý lạc quan của thị trường khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) quyết định đứng ra nhận vai trò là "người cho vay cuối cùng", giúp giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ của khu vực đồng euro (eurozone).
Trong khi đó, tại châu Á, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Trung Quốc - cũng bắt đầu cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. BIS cho biết những lo ngại về sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc chính là nguyên nhân khiến giá của nhiều loại hàng hóa giảm trong những tháng đầu năm.
Ngoài ra, quyết định tung gói kích thích QE3, trong đó quyết định bơm 40 tỷ USD vào thị trường, của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng góp phần tạo tâm lý lạc quan hơn cho các nhà đầu tư, BIS cho biết.
Tuy nhiên, BIS cho rằng sự gia tăng nhanh chóng trong giá các loại trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu từ các thị trường mới nổi tỏ ra khá trái ngược với việc các ngân hàng thế giới liên tục tìm cách hạ quy mô nợ. Trong quý II năm nay, cho vay xuyên quốc gia của các ngân hàng đã giảm 2% xuống 29 nghìn tỷ USD, mức giảm lớn nhất kể từ 2009.
Trong khi đó, các ngân hàng eurozone tiếp tục rút khỏi các thị trường mới nổi. Ước tính, tài sản của các ngân hàng eurozone tại thị trường mới nổi đã giảm khoảng 128 tỷ USD. Ngoài ra, các ngân hàng cũng cắt giảm mạnh số nợ nắm giữ của Hy Lạp, Italia, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, từ 1 nghìn tỷ USD năm 2010 xuống 201 tỷ USD.
Nguồn Telegraph/Khampha