Lam Hồng Chủ Nhật | 03/06/2018 10:47

Thế giới đối đầu trực diện hơn với Trung Quốc tại Biển Đông

Đối thoại Shangri-La năm nay tập trung chủ yếu vào tương lai trong dài hạn của khu vực và cách đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán hơn.

Mặc dù phần lớn thế giới đang chú ý đến cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ, Đối thoại Shangri-La năm nay tập trung chủ yếu vào tương lai trong dài hạn của khu vực và cách đối phó với một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán hơn.

Tại diễn đàn Đối thoại Shangri La ở Singapore diễn ra vào ngày 2/6/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã không ngần ngại tố cáo đích danh Trung Quốc về những hành vi quân sự hóa Biển Đông.

Theo người lãnh đạo Lầu Năm Góc, việc Bắc Kinh bố trí vũ khí của trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông "gắn liền với mục đích quân sự, nhằm hù dọa và bức hiếp" các nước láng giềng, và trong tương lai, Trung Quốc sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn hơn khi "đánh mất mối quan hệ với các láng giềng của mình".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã công khai đề cập đến việc Trung Quốc triển khai các loại vũ khí tối tân trên các đảo nhân tạo mà họ kiểm soát ở Biển Đông và khẳng định: "Cho dù đã có những tuyên bố ngược lại (tức là những lời chối cãi) từ phía Trung Quốc, việc lắp đặt các hệ thống vũ khí đó gắn liền với mục đích quân sự là để đe dọa và bức hiếp".

ông Mattis đã liệt kê một loạt những hành động của Trung Quốc trong thời gian qua như lắp đặt các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không, hệ thống gây nhiễu điện tử trên những đảo nhân tạo vốn đã có những cơ sở quân sự kiên cố được xây dựng trước đó, kể cả đường băng mà phi cơ có thể đáp xuống được.

Theo Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Washington muốn có một mối quan hệ xây dựng với Bắc Kinh, nhưng "chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông tương phản hoàn toàn với nguyên lý cởi mở" trong chiến lược mà Mỹ muốn phát huy.

The gioi doi dau truc dien hon voi Trung Quoc tai Bien Dong

Theo hãng tin Mỹ AP, lãnh đạo Lầu Năm Góc không ngần ngại cảnh cáo Trung Quốc rằng việc Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia mở ra trong tháng này (tập trận RIMPAC 2018) và đây chỉ là một hệ quả "tương đối nhỏ… so với những hậu quả to lớn hơn trong tương lai".

Ông Mattis cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ có một số cách tiếp cận mới mẻ với "trật tự khu vực dựa trên các nguyên tắc" cùng với lời trấn an: "Hãy kiên nhẫn với chúng tôi, một khi chúng tôi đã thử hết các phương án thay thế, người Mỹ sẽ chọn điều đúng nhất".

Dữ dội nhất trong số các tuyên bố được đưa ra là phát biểu trên đài truyền hình Mỹ CNN hôm 31/5 vừa qua của tướng Kenneth McKenzie - Giám đốc Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - theo đó Hoa Kỳ có đủ khả năng "xóa sổ" các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông.

Mỹ cũng đang củng cố quan hệ với các đối tác ở Nam Á, đặc biệt với Ấn Độ, quốc gia mà Washington đánh giá là có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh khu vực và toàn cầu.

Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri La ở Singapore, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi tôn trọng quyền tự do hàng hải, sự toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia không phân biệt lớn lớn nhỏ trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Theo giới phân tích, dù lời kêu gọi của lãnh đạo cường quốc lớn thứ hai tại châu Á không đặc biệt nhắm vào Trung Quốc, nhưng phát biểu của ông Modi cũng ám chỉ thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhỏ hơn trong những vùng tranh chấp thuộc Biển Đông.

Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có xu hướng độc bá châu Á, bất cần luật lệ quốc tế, còn Hoa Kỳ lại đang bị chủ nghĩa co cụm cám dỗ, mọi người chờ đợi Ấn Độ, nước đang vươn lên một cách ngoạn mục tại châu Á, mạnh dạn đứng ra gánh vác trách nhiệm bảo đảm một trật tự dựa trên luật pháp đang bị đe dọa.

Theo South China Morning Post, Phó giám đốc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc ngang ngược so sánh việc xây dựng các tiền đồn quân sự ở Biển Đông với một quyết định của cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình, đưa một đơn vị của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa tới Hồng Kông sau khi đặc khu này được chuyển giao cho Bắc Kinh nhằm chứng tỏ chủ quyền. Đây là lần đầu tiên một quan chức quân sự Trung Quốc công khai thừa nhận tại một sự kiện quốc tế lớn về việc đưa binh sĩ và vũ khí tới các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Tuyên bố này trái ngược với những gì lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra trước đó. Trong cuộc gặp với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khi thăm Hoa Kỳ năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bác bỏ kế hoạch thiết lập các cơ sở quân sự ở Biển Đông.

Các đồng minh thân cận của Mỹ cũng đã có những phản ứng đối đầu trực diện hơn với hành động vi phạm lợi ích quốc tế mà Trung Quốc đang thực hiện tại Biển Đông.

Trong tháng 5 vừa qua, các tàu Anh HMS Albion và HMS Sutherland đã đi qua các vùng biển mà Trung Quốc đang tìm cách hạn chế quyền đi lại. Anh chú trọng tới việc duy trì quy tắc "tự do đi lại trên biển" và thể hiện thái độ bằng việc cho các tàu hải quân đi qua Biển Đông.

Các sự kiện trên cho thấy Anh nhìn nhận tầm quan trọng của việc cần làm sống lại lợi ích của Anh trong vấn đề an ninh châu Á sau bốn năm không có chiếc tàu nào của hải quân Anh tới vùng châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà phân tích lý giải nguyên nhân khiến Anh coi trọng việc tàu thuyền đi qua những vùng biển nằm rất xa nước Anh, vì Trung Quốc đang tìm cách đi ngược lại điều đã được quốc tế đồng thuận từ nhiều năm nay khi muốn đóng cửa các vùng biển, không cho tàu bè quân sự qua lại.

Nếu thái độ của Bắc Kinh không bị phản ứng thì thế giới sẽ quay trở lại kỷ nguyên xưa, khi mà các lực lượng hải quân phải giành giật tìm cách đi qua các rào cản, và khi việc giao thương trên biển, mạch máu chính của nền kinh tế toàn cầu, bị phụ thuộc vào các quốc gia ven biển.