Đàm Hoa Thứ Hai | 10/04/2017 12:30

Thế giới đang lên cơn sốt cát

Cát đang bị khai thác với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ bồi đắp tự nhiên, làm tổn hại nhiều đến môi trường

Những tay khai thác cát lậu ở Ấn Độ đang ăn nên làm ra. Nhật báo The Times of India ước tính thị trường buôn lậu cát trị giá khoảng 150 tỉ rupee (tương đương 2,3 tỉ USD) mỗi năm. Chỉ riêng một công trường tại Tamil Nadu, 50.000 cuốc xe tải chở cát được khai thác mỗi ngày và vận chuyển trái phép sang các bang lân cận. Các băng đảng trên khắp cả nước thường xuyên gây bạo động khi tranh giành cát, kiếm lời từ cơn sốt xây dựng đang bùng nổ.

Thực tế, phần lớn nền kinh tế toàn cầu hiện đại đều dựa vào cát. Cát chủ yếu phục vụ ngành xây dựng, được sử dụng để sản xuất bê tông và nhựa đường. Một lượng nhỏ hơn loại cát chất lượng cao được dùng sản xuất kính và hàng điện tử và một phần ở Mỹ dùng để chiết xuất dầu từ đá phiến trong ngành khai thác dầu fracking. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi cát và sỏi là những vật liệu được khai thác nhiều nhất trên thế giới. Một báo cáo 2014 của Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc (UNEP) ước tính chúng chiếm tới 85% trong mọi thứ được khai thác trên toàn cầu mỗi năm (xét theo trọng lượng).

Do hoạt động xây dựng nhà tại phương Tây vẫn chưa hoàn toàn hồi phục từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, nên cho đến nay, sức cầu chủ yếu vẫn đến từ khu vực châu Á. Dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Freedonia Group cho thấy trong số 13,7 tỉ tấn cát được khai thác trên toàn thế giới phục vụ hoạt động xây dựng vào năm ngoái, có tới 70% được sử dụng ở châu Á. Phân nửa con số đó nằm tại Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc ước tính nước này đã xây dựng 32,3 triệu ngôi nhà và 4,5 triệu km (2,8 triệu dặm) đường bộ trong giai đoạn 2011-2015.

The gioi dang len con sot cat
 

Cát cũng thường dùng để bồi đất lấp biển. Nhờ đổ lượng cát khổng lồ xuống biển mà Singapore giờ có diện tích lớn hơn 20% so với thời điểm nước này giành độc lập vào năm 1965. Trung Quốc và Nhật cũng khai hoang lượng diện tích đất còn lớn hơn nhờ cát.

Nhưng khai hoang cũng khiến cho nhiều quốc gia gặp những vấn đề lớn: Cộng hòa Maldives và Cộng hòa Kiribati đã phải chống đỡ trước tình trạng nước biển dâng lên do khai thác cát từ các hòn đảo nhỏ hơn hoặc từ đáy biển để bồi lấp mở rộng diện tích các vùng đất khác. Khi mực nước biển dâng cao hơn nữa và dân số đô thị gia tăng (Liên hiệp Quốc dự báo mức tăng sẽ là gần 1 tỉ người vào năm 2030), cát sẽ càng được săn lùng nhiều hơn.

Cát có vẻ như rất dồi dào, nhưng thực tế, nó đang ngày càng khan hiếm. Và không phải loại cát nào cũng dùng được: cát sa mạc quá mịn không thể phục vụ cho mục đích thương mại. Hơn nữa, nguồn dự trữ cát cũng cần nằm gần các công trường xây dựng, bởi nếu chi phí vận tải cao so với giá bán, thì việc vận chuyển cát đi cả một quãng đường dài sẽ không có tính kinh tế. Tuy nhiên, điều đó cũng không ngăn các nước có nguồn tài nguyên cát trong nước hạn chế (nhưng có hầu bao rủng rỉnh). Singapore và Qatar, chẳng hạn, là 2 nhà nhập khẩu cát rất lớn: tòa nhà chọc trời Burj Khalifa tại Dubai được xây dựng nhờ dùng cát nhập khẩu từ Úc.

Đáng lo ngại là cát được khai thác với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ được bồi đắp tự nhiên và việc hút cạn các nguồn dự trữ cát hiện có đang làm tổn hại đến môi trường. Nạo vét biển, sông ngòi làm ô nhiễm môi trường sống tự nhiên, ảnh hưởng đến các ngành đánh bắt và canh tác ở địa phương. Khai thác cát ở hồ Poyang của Trung Quốc được cho là đã làm hạ thấp mực nước. Hồ này được UNEP đánh giá có thể là “công trường” khai thác cát lớn nhất thế giới. Cát ở các bãi biển thuộc Morocco và Caribe cũng bị tận khai, làm giảm khả năng chống chọi trước những cơn bão. Theo một báo cáo gần đây về các vấn đề môi trường mới do một nhóm nhà khoa học ở Đại học Cambridge thực hiện, những rủi ro này sẽ càng gia tăng khi tình trạng khan hiếm cát càng nghiêm trọng hơn. 

Ở phương Tây, những mối lo như vậy đã khiến giới chức trách ban lệnh hạn chế khai thác cát ở một số khu vực. Tại Mỹ, chẳng hạn, khai thác cát ngoài khơi hoặc gần các khu dân cư lớn bị hạn chế. Các quy định cũng được đưa ra ở nhiều quốc gia đang phát triển. Những bờ biển ngày càng teo tóp và sự biến mất của một số hòn đảo đã buộc Indonesia và Malaysia ban lệnh cấm xuất khẩu cát sang Singapore. Myanmar cũng đã cấm khai thác cát ở một số bãi biển. Campuchia và Việt Nam cũng hạn chế xuất khẩu cát.

Nhưng các quy định không phải lúc nào cũng được thực thi rốt ráo. UNEP ước tính, phân nửa tổng số cát được sử dụng trong ngành xây dựng và công nghiệp ở Morocco đến từ hoạt động khai thác cát lậu ở ven biển.

Trong khi đó, Sumaira Abdulali, thuộc tổ chức từ thiện Awaaz Foundation ở Mumbai cho rằng những quan chức Ấn Độ phụ trách giám sát hoạt động khai thác dường như e sợ trước bọn khai thác lậu. Cho dù các băng đảng kiếm được giấy phép thì bằng cách nào đó chúng cũng khai thác cao hơn nhiều so với số lượng cho phép. Nhà nước cũng không có hành động quyết liệt để theo dõi tình trạng khai thác cát, vì thế cát khai thác lậu vẫn được giao dịch tương đối dễ dàng.

The gioi dang len con sot cat
 

Tuy nhiên, những vật liệu thay thế cát là có. Bùn có thể dùng cho hoạt động khai hoang, rơm và gỗ có thể dùng để xây nhà và đá được nghiền nát có thể dùng làm bê tông. Nhựa đường và bê tông có thể tái chế. Các quy trình sản xuất sẽ chuyển hướng sang dùng những vật liệu thay thế này khi giá cát tăng lên, theo Zoe Biller, thuộc Freedonia.

Ở một số nước giàu, sự chuyển hướng này đang diễn ra, nhờ chính sách khuyến khích của chính phủ. Theo Hiệp hội Khoáng sản của Anh, 28% vật liệu xây dựng được sử dụng ở Anh trong năm 2014 đã được tái chế. Châu Âu dự kiến sẽ tái chế 75% lượng kính vào năm 2025 và điều này sẽ giúp làm giảm nhu cầu đối với cát công nghiệp. Singapore dự định nhờ đến trình độ chuyên môn của người Hà Lan cho dự án khai hoang tiếp theo. Sử dụng một hệ thống đê và bơm, họ sẽ ít lệ thuộc vào cát.

Nhu cầu giảm từ Singapore có thể sẽ hạn chế tình trạng khai thác cát lậu ở những nước lân cận. Giá cát tăng lên sẽ buộc các nhà xây dựng ở những nước đang phát triển phải tìm các vật liệu thay thế. Nhưng nếu không có cơ chế thực thi luật pháp tốt hơn, giá cát cao cũng khiến cho hoạt động khai thác cát trái phép trở nên hấp dẫn hơn do mang lại lợi nhuận nhiều hơn.

Đàm Hoa

Nguồn The Economist