Thứ Tư | 14/08/2013 15:23

Thế giới đang giàu lên mỗi ngày

Các biện pháp tăng trưởng kinh tế và thu nhập giữa các quốc gia đã cho thấy kết quả tốt hơn bao giờ hết.
Bảng Penn World, một công trình nghiên cứu của các tác giả từ Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ là một công cụ mới cho phép đo lường chính xác quy mô kinh tế của các quốc gia trên khắp thế giới. Các nhà nghiên cứu theo dõi giá trị hàng hóa tiêu thụ trong một nước, cũng như các con số liên quan tới đầu tư, giao dịch và sử dụng kết quả này so sánh với tất cả các quốc gia khác, trong nhiều thời điểm khác nhau, có thể chênh lệch nhiều thập kỷ.

Nguyên lý rất đơn giản. Đầu tiên, các nhà khoa học so sánh chi phí của cùng một sản phẩm, dịch vụ ở các quốc gia khác nhau. Điều này rất dễ hiểu như khi đề cập đến giá bán chiếc iPhone chẳng hạn. Nhưng với các dịch vụ như một bữa ăn nhà hàng, dịch vụ taxi hay may quần áo thì sẽ phức tạp hơn khá nhiều. Ở các nước nghèo, chi phí lao động thấp hơn, thì một dịch vụ sẽ có giá trị thấp hơn nhiều so với các nước phát triển.

Thứ hai, là so sánh tiêu dùng ở các nước khác nhau. Một hộ gia đình thu nhập bình quân 2 USD một nguời một ngày tại Ấn Độ sẽ có tiêu dùng khác với một gia đình Mỹ thu nhập bình quân 20 USD một người mỗi ngày. Cuối cùng là so sánh theo thời gian. Điều này giúp xác định giá trị hàng hóa tại các thời điểm cách xa nhau, như một chiếc Ford Escape 2010 và một chiếc Ford Escort năm 1980 chẳng hạn. Dòng thời gian thay đổi và người ta mua sắm cũng khác đi.

Vì thế mà chẳng có gì là ngạc nhiên khi các phiên bản cập nhật này đã giúp hình dung lại diện mạo nền kinh tế. Theo Bảng Penn World, GDP Trung Quốc năm 2010 là 10,1 ngàn tỷ USD. Tính theo phương pháp cũ thì con số này dao động trong mức 9,3 ngàn đến 9,8 ngàn tỷ USD. Con số này theo tính toán của Ngân hàng Thế giới là 9,1 ngàn tỷ USD. Chỉ số tương tự của Mỹ là 13,1 ngàn tỷ USD.

Quan trọng hơn cả, Bảng Penn cho phép đo đếm nền kinh tế đã trưởng thành ra sao theo thời gian, nó có khả năng cung cấp GDP cả năm 1960 và 2010 của cùng một quốc gia và theo dõi sự tiến bộ kinh tế toàn cầu. Rất đáng kể khi mà ngày nay không một quốc gia nào bị tụt hậu về kinh tế so với thời điểm năm mươi năm trước đây cả. Một số quốc gia có con số tăng trưởng rất ấn tượng, như Ấn Độ (quy mô kinh tế tăng 10 lần so với năm 1960), Indonesia (13 lần), Trung Quốc (17 lần), Thái Lan (22 lần).

Khoảng 5,1 tỷ người sống tại các quốc gia có thu nhập bình quân tăng gấp đôi trở lên kể từ năm 1960 và 4,1 tỷ sống ở các quốc gia thu nhập bình quân tăng từ 3 lần trở lên. Con số với những nước thu nhập tăng trên 5 lần là 2,2 tỷ người. Các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Ai Cập, Thái Lan đều có thu nhập trung bình tăng lên ít nhất 8 lần.

Các con số tăng trưởng này đều là các kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Sau Đại cách mạng công nghiệp, trong giai đoạn từ 1820 đến 1870, GDP bình quân đầu người tại Anh tăng từ 1.706 USD lên 3.190 USD (theo một số liệu của Angus Madison). Tỷ lệ tăng chỉ có 87%. Con số 87% này chỉ giúp nước Anh đứng thứ 34 trong số những nước có tỷ lệ tăng thấp nhất trong giai đoạn 1960 đến 2010. Con số này thậm chí còn thấp hơn Philippines, Zimbabwe, Syria khi so sánh giai đoạn kể trên, vốn là những nước chưa có ai coi là cường quốc kinh tế.

Tính trong năm 2010, gần 1,7 tỷ người trên hành tinh sống trong các quốc gia có thu nhập bình quân trên 10 ngàn USD một năm một người. Mức này là thu nhập bình quân tại Bỉ, Hà Lan, Pháp, Đức năm 1960. Hơn 3,5 tỷ người trên thế giới (một nửa dân số của hành tinh) sống ở các quốc gia có thu nhập bình quân từ 6.000 USD trở lên. Mức này cao hơn GDP bình quân đầu người tại Ý, trên Ailen và Tây Ban Nha hồi năm 1960, hơn một nửa dân số thế giới và một phần tư dân số Hoa Kỳ tại thời điểm đó.

Rất có lý do để hy vọng với Bảng Penn, rằng 50 năm nữa, thế giới mà chúng ta đang sống sẽ còn nhiều tư liệu xác đáng hơn về cuộc sống đang ngày một phong phú, giàu có.

Nguồn Doanh nhân Sài Gòn Online


Sự kiện