Thứ Ba | 25/04/2017 11:51

Thế giới có duy trì được tăng trưởng trước các bất ổn chính trị?

Với mức lãi suất chuẩn thấp như hiện nay, các ngân hàng trung ương sẽ khó mà hạ lãi suất lần nữa nếu có một đợt suy thoái mới xảy ra.

Nền kinh tế toàn cầu đang lấy lại đà tăng trưởng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tuyên bố như vậy. Điều này có thể là chính xác và đáng khích lệ, nhưng có một sự mâu thuẫn đáng lo ngại giữa tăng trưởng kinh tế này và cái mà IMF gọi là "sự không chắc chắn về chính trị" - đó là những xu hướng chống tự do thương mại, chống toàn cầu hóa, và chủ nghĩa dân túy.

"Sự không chắc chắn" này có thể dẫn đến một số chính sách tồi tệ, đủ để hủy hoại một hoặc nhiều nền kinh tế lớn, và cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Và còn một mối nguy hiểm khác, ít nổi bật hơn nhưng không kém phần quan trọng, đó là nguy cơ rơi vào trì trệ triền miên. Những bất ổn chính trị liên tục sẽ ngăn chặn các chính sách có thể đem lại tăng trưởng trong dài hạn.

Tăng trưởng hiện tại là ổn định nhưng không có gì đặc biệt. Các dự báo mới nhất của IMF cho biết GDP  toàn cầu sẽ tăng trưởng trong khoảng 3-4% trong năm nay và năm sau – cao hơn một chút so với năm 2016. Cho đến thời điểm này, các nhà đầu tư vẫn không dao động trước những lời tuyên bố sặc mùi chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Donald Trump hoặc những bất ổn có thể đến với Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu từ quá trình Brexit. Dĩ nhiên, điều này có thể thay đổi rất nhanh chóng.

The gioi co duy tri duoc tang truong truoc cac bat on chinh tri?
Dự báo của IMF về tăng trưởng toàn cầu và từng khu vực. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, ngay cả khi những yếu tố bất ổn ở trên được giải quyết, thế giới vẫn tồn tại một vấn đề khó khắc phục. Các nền kinh tế phát triển và mới nổi lên đang rơi vào quỹ đạo tăng trưởng khá thất vọng, nếu xét theo những gì đã đạt được trước đây. Sự suy yếu này đồng nghĩa với đói nghèo, nhiều cơ hội bị mất đi và thu nhập của hàng trăm triệu người sẽ giảm xuống. Điều này cũng giải thích một phần hiện trạng chính trị thế giới.

Tình trạng suy giảm tăng trưởng này xem ra sẽ kéo dài rất lâu. Năng suất ở nhiều nền kinh tế phát triển đã không cải thiện được mấy do áp lực từ các xu hướng dân số, thiếu cải tiến công nghệ hơn, và một số yếu tố khác. Đó là còn chưa kể cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Gần một thập kỷ đã trôi qua, nhưng các nền kinh tế vẫn chưa rũ bỏ hết các dư âm của đợt khủng hoảng này. Các ngân hàng và nhà đầu tư ngày càng thận trọng hơn; các chính phủ thì bị đè nặng bởi một núi nợ; các ngân hàng trung ương vẫn đang duy trì một với chính sách tiền tệ nới lỏng chưa có tiền lệ trong lịch sử.

Những chính sách kinh tế khôn ngoan vẫn có thể đem lại tăng trưởng dài hạn, nhưng với tình hình chính trị hiện tại thì các chính sách này lại khó có đất sống.

Phải nhớ rằng không có một giải pháp tốt nào có thể phát huy hiệu quả ngay lập tức, mà đều phải theo kiểu "mưa dầm thấm lâu": Đề cao các đột phá công nghệ. Cải thiện giáo dục và gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục đại học. Giúp đỡ người lao động luân chuyển giữa các khu vực và ngành nghề dễ dàng hơn. Xây dựng cơ sở hạ tầng một cách khôn ngoan. Khuyến khích sự cạnh tranh. Tất cả những điều này đều sẽ mất nhiều năm trước khi mang lại lợi ích cụ thể. Việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, trong khi đó chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ thì lại có bản chất là thiếu kiên nhẫn.

The gioi co duy tri duoc tang truong truoc cac bat on chinh tri?
Tỷ lệ lãi suất liên ngân hàng ngắn ngày của Mỹ (Fed funds rate) đã giảm mạnh từ đầu những năm 2000 tới nay. Ảnh: stlouisfed.org

Ngoài ra, tình trang tăng trưởng chậm chạp kéo dài gây ra rất nhiều khó khăn cho  các ngân hàng trung ương, vì nó đồng nghĩa là lãi suất đang thấp kỉ lục . Ở Mỹ, mức lãi suất thông thường - là mức khi nền kinh tế đạt được toàn dụng nhân công - trước đây là khoảng 4%. Hiện giờ, nó chỉ là 2% hoặc thậm chí thấp hơn. Điều này có nghĩa là Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ khó có thể cắt giảm lãi suất thêm nữa khi có một cuộc suy thoái tiếp theo xảy ra. Điều này làm kinh tế vĩ mô khó mà ổn định được. Các nền kinh tế khác cũng phải đối mặt với viễn cảnh tương tự.

Trong tương lai, hoặc là các ngân hàng trung ương sẽ phải áp dụng các biện pháp chưa có tiền lệ nhiều hơn nữa, hoặc là chính sách tài khóa sẽ phải gánh thêm việc kích thích tổng cầu. Cả hai trường hợp đều đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách thật sự có năng lực, được các cử tri tín nhiệm và và không bị những bất ổn hàng ngày làm ảnh hưởng. Rõ ràng là chủ nghĩa dân túy không đáp ứng được những yêu cầu trên.

Dù sao thì cũng hãy an tâm là nền kinh tế toàn cầu đang trên đà tăng trưởng. Nhưng với tình hình chính trị bất ổn như hiện nay, đừng mong chờ một điều thần kì nào trong nay mai.

Bá Ước

Nguồn Bloomberg