Chủ Nhật | 29/07/2012 10:14

Thế giới chưa thể có hệ thống đa tiền tệ ít nhất 10 năm nữa?

Là công cụ bảo vệ tính thanh khoản, lưu giữ giá trị và phương tiện trao đổi, USD vẫn đứng ở vị trí cao nhất trong số các đồng tiền hiện nay.
Thế giới đã đi được một chặng đường dài từ cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970, các yếu tố trụ cột cho sự phục hồi sau khi thể chế Bretton Woods sụp đổ bao gồm chính sách đồng thuận về một loại tiền tệ chung và đồng USD thả nổi trở thành đơn vị tiền tệ dự trữ chủ yếu của thế giới vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Đóng vai trò như một công cụ bảo vệ tính thanh khoản, lưu giữ giá trị và phương tiện trao đổi, đồng USD vẫn đứng ở vị trí cao nhất trong số các đồng tiền hiện nay.  Ngoài ra, một lý do khác "khiến đồng bạc xanh tiếp tục được sử dụng là do quán tính. Người ta luôn sử dụng đồng USD và sẽ tiếp tục sử dụng đồng tiền này". "Ngay cả ở Italia, khi cú sốc đồng nội tệ lira xảy ra vào thế kỷ XX, đồng USD cuối cùng vẫn là hình thức thanh khoản ưa thích đối với nhiều người", Tiến sĩ người Italia Paola Subacchi, Giám đốc nghiên cứu kinh tế quốc tế tại Chatham House, London cho biết.

USD vẫn là đơn vị tiền tệ dự trữ chủ yếu toàn cầu
USD vẫn là đơn vị tiền tệ dự trữ chủ yếu toàn cầu

Tuy nhiên, đồng bạc xanh còn tồn tại trong bao lâu nữa, lại là một câu hỏi khác. Những người chơi chính trong hệ thống, bao gồm các quốc gia mới nổi BRICs như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đang chỉ ra một hướng đi mới. Sự xuất hiện của một hệ thống đa tiền tệ - không chỉ sử dụng một đồng tiền chung duy nhất mà đa dạng hóa các loại ngoại tệ khác nhau trong trao đổi mậu dịch - được xem xu hướng phổ biến trong tương lai.

Trong khi đó, các tin đồn về sự sụp đổ của đồng bạc xanh đã được phóng đại rất nhiều. "Tôi thực sự không nghĩ rằng thời kỳ dành cho USD sẽ kết thúc" và "Tất cả mọi câu chuyện về đồng tiền dự trữ mới trong tương lai vẫn chỉ là giả thuyết. Hệ thống đa tiền tệ vẫn còn là một khái niệm trực quan mà chúng ta dự tính trong 10 hay 15 năm nữa. Do đó, USD hiện vẫn chưa có đối thủ", Tiến sĩ người Italia Subacchi cho biết.

Trong tương quan so sánh với các đồng tiền mạnh khác (euro, yên, bảng anh...), USD dù bị suy giảm trong ngắn hạn, nhưng sẽ vẫn tiếp tục duy trì vị thế đồng tiền chủ chốt trong thanh toán thương mại và dự trữ toàn cầu trong một thời gian rất dài nữa bởi chưa có một đồng tiền nào đủ sức cạnh tranh và nhanh chóng thay thế hoàn toàn vị thế quốc tế của USD.

Euro vẫn chưa phải là đối thủ của USD
Euro vẫn chưa phải là đối thủ của USD

Bà Subacchi cũng cho rằng đồng euro ngay từ khi mới được tạo ra và đến tận bây giờ - khi khu vực đồng tiền chung lâm vào khủng hoảng đều không thể cạnh tranh được với USD. Thậm chí sau khi hệ thống tiền tệ của Liên minh châu Âu tiến hành cải cách, đồng euro cũng chỉ được xem là một trong nhiều trụ cột của hệ thống đa tiền tệ.

Mặc dù nhân dân tệ có tiềm năng trở thành ngoại tệ dự trữ chung của thế giới nhờ quy mô kinh tế khổng lồ của Trung Quốc nhưng chặng đường để trở thành một đồng tiền quốc tế có thể quy đổi hoàn toàn vẫn còn khá xa. "Nhân dân tệ hiện vẫn chưa phải là đối thủ của USD", tiến sĩ Paola Subacchi nói thêm.

Hơn nữa, việc Trung Quốc muốn chịu trách nhiệm nắm giữ đồng tiền dự trữ chủ chốt của thế giới đến mức độ nào vẫn là một câu hỏi mở.

"Trung Quốc cần một đồng tiền phản ánh quy mô nền kinh tế và hoạt động xuất khẩu của mình. Trong bao lâu nhân dân tệ có thể trở thành một đồng tiền quy đổi hoàn toàn của quốc tế vẫn còn là dự đoán nhưng dự đoán này phải căn cứ vào các kết quả của chính sách khác, như kế hoạch phát triển Thượng Hải trở thành trung tâm tài chính quốc tế vào năm 2020", bà Paola Subacchi cho biết.

"Thậm chí giả định trong thời gian ngắn, Thượng Hải có thể trở thành trung tâm tài chính quốc tế thì Trung Quốc cũng chưa hẳn đã muốn nắm giữ đồng tiền dự trữ duy nhất của thế giới bởi những gánh nặng và trách nhiệm đi kèm. Một chính phủ nắm giữ đồng tiền dự trữ của thế giới, phải cho thấy được khả năng bảo vệ giá trị của đồng tiền này", bà Subacchi nói thêm.

Theo bà Subacchi, có thể Trung Quốc sẽ hài lòng với hệ thống đa tiền tệ, trong đó nhân dân tệ là một trong những trụ cột chính. Tuy nhiên, Trung Quốc "phải thay đổi hệ thống tài chính một cách linh hoạt hơn".

Sự sụp đổ của đồng bạc xanh đã được phóng đại rất nhiều nhưng liệu khi nào nhân dân tệ mới có thể trở thành đồng tiền dự trữ chính của toàn cầu?
Sự sụp đổ của đồng bạc xanh đã được phóng đại rất nhiều nhưng liệu khi nào nhân dân tệ mới có thể trở thành đồng tiền dự trữ chính của toàn cầu?

Mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu di chuyển theo hướng linh hoạt hóa hệ thống tài chính nhưng vẫn có những trở ngại nhất định, ít nhất là trong hệ thống ngân hàng. "Các ngân hàng thống trị ở Trung Quốc không chỉ đóng vai trò là trung gian tài chính mà còn nắm giữ vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị" và "liệu chính quyền Trung Quốc muốn tước bỏ quyền kiểm soát của những ngân hàng này đối với các công ty sở hữu nhà nước và phân bổ tín dụng đến mức nào vẫn còn là một câu hỏi thú vị", bà Subacchi cho biết.

Ngoài ra, cũng theo bà Subacchi, "Trong khi Thượng Hải đang trên đường trở thành một trung tâm tài chính thế giới, Trung Quốc cần tiến hành nhiều thay đổi về cấu trúc trước khi các thị trường có thể tích hợp. Không có nhiều nợ trong khu vực công- mặc dù có ở cấp thành phố - nhưng chắc chắn Trung Quốc cần khuyến khích nợ doanh nghiệp để có thể thu hút tiền bên ngoài hệ thống ngân hàng".

Thượng Hải đang trên đường trở thành trung tâm tài chính thế giới
Thượng Hải đang trên đường trở thành trung tâm tài chính thế giới

Hiện nay, không có sự đa dạng trong các sản phẩm tài chính ở Trung Quốc. Lựa chọn duy nhất cho các nhà tiết kiệm và đầu tư nhỏ là tiền gửi ngân hàng. Đó là lý do tại sao hầu hết người dân đều hướng tới việc đầu tư vào thị trường bất động sản. Điều này khiến bong bóng bất động sản dễ nổ tung do không có đủ công cụ hay cách thức để đa dạng hóa hoạt động đầu tư.

Do đó, bà Subacchi cho rằng: "Phát triển lĩnh vực tài chính hiệu quả, vững mạnh bằng cách kích thích tiêu dùng sẽ hỗ trợ kinh tế Trung Quốc hơn là dựa vào xuất khẩu và đầu tư".

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện