Thế giới chịu ảnh hưởng gì khi Mỹ, Trung Quốc thay lãnh đạo?
Tuy nhiên, bầu cử tổng thống Mỹ ngày 6/11 và chuyển giao lãnh đạo ở Trung Quốc ngày 8/11 vừa có ý nghĩa về mặt địa phương lẫn quốc tế. Cả hai đều mang những yếu tố toàn cầu phản ánh thực tế về thế giới phụ thuộc và liên kết với nhau hiện nay.
Tác động lẫn nhau
Toàn cầu hóa nghĩa là kinh tế, chính trị và những diễn biến trong nước của các quốc gia quyện vào nhau theo cách dành cho Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới.
Thực tế là Trung Quốc đang giúp cấp vốn cho Mỹ- quốc gia đang bị thâm hụt ngân sách liên bang khổng lồ, cũng như là một đối tác thương mại lớn của nước này. Cùng lúc, Mỹ cũng không quá cứng rắn với Trung Quốc trong việc quốc gia này đánh giá thấp nhân dân tệ cũng như các chính sách thương mại một phía. Dù đôi khi Mỹ và Trung có bất đồng về những việc làm của nhau song chưa bao giờ lên tới mức độ thái quá. Đó là cách mà cuộc chơi diễn ra.
Nếu tái đắc cử, tổng thống Obama được kỳ vọng sẽ duy trì tình trạng hiện nay trong quan hệ với Trung Quốc, có lẽ là giữ lập trường cứng rắn hơn nhằm trung hòa sức ép trong nước. Dù vậy, có một câu hỏi đặt ra là liệu sự cân bằng này có bị phá vỡ không nếu ứng viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Ứng viên Romney từng nói trong khi tranh cử rằng ông sẽ gọi Trung Quốc là "nước thao túng tiền tệ" ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Romney cáo buộc Bắc Kinh gian dối và thề sẽ "không nương tay" với Trung Quốc.
Trang web chính thức của ông Romney đã đề cập rõ ràng tới cách xử lý vấn đề Trung Quốc của ông. "Mitt Romney sẽ thực thi một chiến lược khiến đường lối bá chủ khu vực của Trung Quốc hao tiền tốn của hơn là đường lối trở thành một đối tác có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế". Ông Mitt Romney cũng khẳng định sẽ hợp tác với các đồng minh như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc đồng thời siết chặt quan hệ với Ấn Độ và Indonesia.
Thông tin trên trang web của Mitt Romney viết: "Mục tiêu của chúng tôi không phải là xây dựng một liên minh chống Trung Quốc mà thay vào đó là củng cố sự hợp tác giữa các nước có chung lo ngại về sự lớn mạnh và quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc".
Trung Quốc: Khó đoán và dễ đoán
Với người châu Á, một sự kiện quan trọng hơn nhiều sẽ diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh trong kỳ họp thứ 18 của Quốc hội, khi quá trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra.
Có một điều được cho là chắc chắn rằng ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ thay ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo trong thường trực bộ chính trị, đảm nhiệm ghế chủ tịch và thủ tướng vào tháng 3.
Điều chưa chắc chắn lại là lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ thông qua và thực thi chính sách kinh tế, chính trị, xã hội như thế nào.
Do ảnh hưởng về kinh tế và vai trò tích cực ngày càng tăng trong các vấn đề quốc tế, bất cứ chính sách nào của Trung Quốc cũng có ý nghĩa toàn cầu.
Theo Brookings, hy vọng chính là đội ngũ lãnh đạo thế hệ thứ 5 "là một tập hợp đa dạng hơn về nghề và nền tảng chính trị, dễ thay đổi và thích ứng...quan điểm về thế giới và những lựa chọn chính sách sẽ đa dạng hơn thế hệ trước".
Nguồn Vietnamnet