Thế giới bắt đầu thắt chặt định lượng
Kể cả khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ cân nhắc liệu có nên nâng lãi suất trong tháng 9 này hay không, thì thanh khoản của ngân hàng trung ương trên các thị trường tài chính đang dần cạn kiệt và đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng biến động trong tháng 8 vừa qua.
Phía sau sự sụt giảm thanh khoản này là lượng dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương. Tăng mạnh sau các cuộc khủng hoảng tài chính cuối những năm 1990 nhằm phòng ngừa tình trạng dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường và đồng tiền mất giá, dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm xuống 11,43 nghìn tỷ USD trong quý I/2015 từ mức đỉnh 11,98 nghìn tỷ USD giữa năm ngoái, theo số liệu của IMF.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này, kể cả kinh tế Trung Quốc giảm tốc và việc nước này phá giá nhân dân tệ hôm 11/8 vừa qua, Fed chuẩn bị tăng lãi suất, giá dầu lao dốc, Thụy Sĩ và Nhật Bản quyết định tạm ngừng can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Điều này có nghĩa rằng các ngân hàng trung ương hoặc đang giảm lượng dự trữ ngoại hối để bù đắp lượng vốn tháo chạy hoặc kiểm soát tiền tệ, có ít hơn nguồn vốn chảy vào nền kinh tế để dành dụm hoặc không còn cần thiết phải tăng thêm dự trữ ngoại hối. Bất kể thế nào thì dự trữ ngoại hối giảm đồng nghĩa rằng dòng tiền chảy vào hệ thống tài chính cũng giảm theo trong bối cảnh cơ quan quản lý có xu hướng quay lại dự trữ bằng đồng nội tệ hoặc tài sản thanh khoản như trái phiếu.
Nói theo cách của George Saravelos, chiến lược gia tại Deutsche Bank AG và các đồng nghiệp của ông, là chào mừng đến với thế giới “thắt chặt định lượng”.
Các nhà phân tích tại Deutsche Bank dự đoán năm 2015 sẽ đánh dấu đỉnh điểm của việc tích lũy dự trữ ngoại hối sau 2 thập kỷ tăng trưởng với sự tiên phong của Trung Quốc khi cơ chế tiền tệ mới đồng nghĩa rằng nước này phải giảm dự trữ để tránh cho nhân dân tệ rơi tự do. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm xuống 3,65 nghìn tỷ USD từ 3,99 nghìn tỷ USD năm 2014.
Đối với các thị trường, Deutsche Bank cho rằng việc giảm tích lũy dự trữ ngoại hối đồng nghĩa rằng lợi tức trái phiếu cao hơn và USD tăng so với các đồng tiền đối thủ, kể cả euro và yên. Cũng có những tác động đến các ngân hàng trung ương nếu chi phí đi vay tăng, làm hạn chế khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Trong báo cáo công bố hôm thứ Ba 1/9, George Saravelos và các đồng nghiệp cho rằng, đây có thể là trở ngại đối với ngân hàng trung ương các nước phát triển trong việc thoát khỏi chính sách bất thường trong những năm tới, gây thêm bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Lộ trình tiến đến “bình thường hóa” có thể sẽ vẫn chậm chạp và đầy khó khăn.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg