Thế giới 2012: Bất ổn, thay đổi và cuộc chiến chống suy thoái
Khi tình thế bế tắc, những người thực tế thường hy vọng không phải vào phép màu, mà là sự thay đổi. Và năm 2012 là năm của rất nhiều sự thay đổi. Một loạt cuộc bầu cử tổng thống của các nền kinh tế dẫn dắt thế giới như Mỹ, Nga, Pháp cho đến những điểm nóng như Triều Tiên, Hy Lạp. Những lãnh đạo mới sẽ phải tập trung giải quyết những vấn đề đang trở nên trầm trọng của cơn khủng hoảng.
Cho dù vậy, thế giới dường như vẫn không thôi khát vọng về những điều tốt đẹp. Palestine được công nhận là nhà nước quan sát viên Liên Hợp Quốc là một sự ghi nhận cho nỗ lực đấu tranh bền bỉ hàng chục năm trời của nhân dân Palestine. Liên minh châu Âu nhận giải Nobel Hòa bình, vốn chưa hề có tiền lệ, và bé gái bị Taliban bắn được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2013 có thể là một tuyên ngôn cho thấy cho dù có nhiều bất đồng và khác biệt, thế giới này vẫn chia sẻ ước mơ chung về những điều tốt đẹp, hòa bình và lòng trắc ẩn.
1. Các cuộc bầu cử quan trọng làm thay đổi cục diện thế giới
Ngày 7/3, bất chấp cáo buộc gian lận xung quanh cuộc bầu cử, Ủy ban bầu cử trung ương Nga (CEC) xác nhận ông Putin giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống với tỷ lệ phiếu bầu 63,6%. Với chiến thắng này, ông Putin đã trở thành tổng thống Nga trong nhiệm kỳ 6 năm tới.
Ngày 6/5, ứng viên đảng Xã hội Francois Hollande đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2012-2017, hứa hẹn sẽ bắt đầu chống lại các chính sách thắt lưng buộc bụng được khởi xướng bởi Đức và gây nhiều tranh cãi trong các nước châu Âu.
Ngày 6/11, trong cuộc bầu cử được đánh giá là kịch tính, kéo dài và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ, ứng cử viên của đảng Dân chủ, tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã giành thắng lợi thuyết phục trước ứng cử viên của đảng Cộng hòa, ông Mitt Romney với tỷ lệ 303/206 phiếu đại cử tri. Theo các nhà phân tích, ông Obama sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong nhiệm kỳ tới để vực dậy nền kinh tế thông qua tăng thuế đối với giới giàu, tạo việc làm, cắt giảm chi tiêu nhằm ngăn chặn nguy cơ rơi vào "bờ vực tài khóa" của Mỹ.
Ngày 15/11, ông Tập Cận Bình chính thức được bầu làm tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc và chủ tịch Hội đồng quân ủy trung ương. Đây là những bước chuyển giao quyền lực cần thiết mở đường cho ông Tập Cận Bình lên kế nhiệm chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào tháng 3 tới. Cũng trong đợt chuyển giao lãnh đạo vừa qua, Ban thường vụ Bộ chính trị mới của Trung Quốc được cơ cấu lại còn 7 thành viên.
2. Kim Jong-un lên nắm quyền, Triều Tiên thực hiện nhiều cải cách
Ngày 13/4, tại phiên họp thứ 5 của Hội đồng nhân dân tối cao (quốc hội) khóa 12, ông Kim Jong-un đã được bầu làm lãnh đạo tối cao của Triều Tiên thay cho cha là ông Kim Jong-il, người qua đời hồi tháng 12 năm ngoái.
Theo các nhà phân tích, kể từ khi lên nắm quyền, chủ tịch Kim Jong-un đã thể hiện là một nhà lãnh đạo cởi mở, thân thiện và ông cũng đã tiến hành nhiều cải cách như cải cách về tiền tệ, nông nghiệp.
Về nông nghiệp, Triều Tiên cho phép nông dân giữ nhiều sản phẩm hơn nhằm tăng sản lượng và nguồn cung nông nghiệp để đối phó với giá lương thực tăng cao. Về tiền tệ, Triều Tiên cũng lên kế hoạch cho phép một số doanh nghiệp công nghiệp nhẹ được sử dụng tiền mặt trong thanh toán.
Bên cạnh đó, sau khi lên nắm quyền, ông Kim Jong-un còn tiến hành nhiều cải cách về văn hóa, xã hội như tăng cường truyền hình trực tiếp, tham gia buổi biểu diễn nghệ thuật có các nhân vật hoạt hình nước ngoài, cho phép phụ nữ đi giày cao gót và đeo khuyên tai, bãi bỏ lệnh cấm các món ăn đặc trưng của phương Tây như pizza, khoai tây chiên và hamburger.
Tuy thực hiện nhiều cải cách nhưng vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Sáng ngày 12/12, Triều Tiên xác nhận nước này đã phóng tên lửa tầm xa ở một bãi phóng tại vùng biển phía tây và đưa thành công một vệ tinh vào quỹ đạo. Đây là vụ phóng tên lửa lần thứ 2 của Triều Tiên trong năm nay.
Hồi tháng 4, Triều Tiên cũng từng phóng tên lửa mang vệ tinh vào vũ trụ, nhưng tên lửa nổ tung chỉ vài phút sau khi rời bệ phóng. Do đó, thành công lần này mang ý nghĩa an ninh lớn lao, đánh dấu bước tiến lớn trong khả năng của Triều Tiên, phát triển được một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
3. Nội chiến lan rộng ở Trung Đông
Cuộc nội chiến kéo dài 21 tháng ở Syria, nguy cơ Israel tấn công Iran và xung đột giữa Israel và Palestine ở dải Gaza là những nhân tố tạo ra bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông.
Cuộc nội chiến Syria khởi đầu bằng hàng loạt cuộc biểu tình của lực lượng nổi dậy chống lại tổng thống Bashar al-Assad diễn ra vào tháng 3/2011. Tổ chức giám sát nhân quyền Syria, tính tới thời điểm này, đã có ít nhất 44.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải sơ tán sang các nước khác trong cuộc xung đột kéo dài 21 tháng tại Syria.
Căng thẳng giữa Israel và Iran leo thăng trong những tháng gần đây, với việc Israel đe dọa sẽ tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Israel luôn cho rằng chương trình hạt nhân của Iran là nhằm phát triển các loại vũ khí nguyên tử, vốn đe dọa tới sự tồn vong của quốc gia Do Thái này và tới vị thế hiện nay của Israel như một cường quốc duy nhất ở Trung Đông có sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Iran nhiều lần khẳng định rằng chương trình nguyên tử của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình và dân sự.
Một trong những nguyên nhân khiến khu vực Trung Đông vốn đã tiềm ẩn nhiều bất ổn lại càng trở nên căng thẳng hơn là xung đột giữa Palestine và Israel tại dải Gaza. Chiến sự giữa Israel và Palestine bắt đầu bùng nổ từ hôm 14/11/2012, sau khi đợt không kích của Israel nhằm trả đũa các đợt nã rocket đơn lẻ từ bên kia biên giới, khiến lãnh đạo quân sự nhóm Hamas thiệt mạng. Những động thái gần đây khiến dư luận lo ngại xuất hiện nguy cơ một cuộc chiến tranh mới ở vùng biên giới Israel - dải Gaza như đã từng xảy ra vào cuối năm 2008.
4. Châu Phi tiếp tục đối mặt với nạn đói
Trong những năm gần đây, mặc dù ghi nhận dấu hiệu tăng trưởng kinh tế khả quan song châu Phi vẫn chưa hết bị đe dọa bởi bóng đen đói nghèo và thất nghiệp.
Theo cơ quan tư vấn Maplecroft của Anh, 3/4 các nước châu Phi đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực cao hoặc rất cao, trong đó, nghiêm trọng nhất là ở các nước Somalia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi, Chad, Ethiopia, Eritoria, Nam Sudan, Comoros và Sierra Leone do tình trạng hạn hán kéo dài và xung đột vũ trang.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Chương trình lương thực Liên Hợp Quốc (WFP), hiện có khoảng 10 triệu người, trong đó có nhiều phụ nữ trẻ em ở Đông Phi, nhất là khu vực Sừng châu Phi, đang thiều lương thực, thực phẩm trầm trọng và gần 2 triệu người có nguy cơ bị chết đói.
Cũng theo Maplecroft, các vụ xung đột, tình hình bất ổn tại Sahel ở Congo và khu vực Đông Phi, tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 50 năm qua ở Mỹ và mùa màng thất thu tại các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây là những nguyên nhân chính khiến giá ngũ cốc tăng cao, làm tăng nguy cơ khủng hoảng lương thực ở châu Phi.
5. Palestine được công nhận là nhà nước quan sát viên Liên Hợp Quốc
Ngày 29/11, với hơn 2/3 số phiếu ủng hộ, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã công nhận Palestine là nhà nước quan sát viên phi thành viên.
Với quyết định này, Palestine đã được nâng cấp từ tư cách “thực thể quan sát viên” tại Liên Hiệp Quốc không có quyền bỏ phiếu lên nhà nước quan sát viên phi thành viên và có thể tham gia các tổ chức quốc tế như Tòa án hình sự quốc tế (ICC).
Đối với nội bộ Palestine, quyết định trao quy chế quốc gia quan sát viên không thành viên của Liên Hợp Quốc cho Palestine thể hiện thái độ nhìn nhận của cộng đồng quốc tế đối với tổng thống Mahmoud Abbas và đảng Fatah trong bối cảnh phong trào Hamas ở dải Gaza tìm mọi cách thể hiện rằng chỉ có Hamas là đại diện duy nhất của cuộc kháng chiến chống Israel.
6. EU nhận giải Nobel Hòa bình
Sinh ra từ tàn lửa của cuộc chiến tranh châu Âu diễn ra vào thế kỷ XX, EU đã mở rộng từ 6 quốc gia vào năm 1957 lên 27 quốc gia thành viên.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn kinh tế trong thời gian qua, EU vẫn là nhà tài trợ phát triển lớn nhất thế giới với 53 tỷ euro viện trợ phát triển (ODA) dành cho các nước đang phát triển trong năm 2011, chiếm hơn 50% tổng viện trợ của thế giới.
Bên cạnh đó, qua chính sách an ninh và đối ngoại chung, EU đã tham gia vào những nỗ lực hòa giải nhằm ngăn chặn hay giải quyết xung đột tại nhiều nước trên thế giới.
7. Thế vận hội Olympic London 2012
Tối ngày 27/7, Thế vận hội Mùa Hè năm 2012 đã chính thức khai mạc ở thủ đô London, Anh sau gần 10 năm chuẩn bị. Thế vận hội có sự tham gia của hơn 200 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới gồm hàng nghìn vận động viên.
Bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, số tiền chi cho Olympic 2012 của Anh đã tăng gấp 3 ngân sách so với dự tính ban đầu, với toàn bộ chi phí lên đến 17,18 tỷ USD. Đây được coi là thế vận hội bội chi nhiều nhất trong vòng 16 năm qua.
Không uổng số tiền bỏ ra chuẩn bị của Anh, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết Olympic London 2012 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành truyền thông đã đạt con số kỷ lục 4,8 lượt khán giả trên toàn cầu cùng nhiều dấu ấn chưa từng có trong lịch sử.
8. Bé gái bị Taliban bắn được đề cử giải Nobel hòa bình 2013
Hơn 60.000 người Anh đã ký tên kêu gọi chính phủ nước này đề cử Malala Yousafzai - bé gái người Pakistan, bị Taliban bắn vì dám đấu tranh cho quyền đi học của nữ sinh - làm ứng viên giải Nobel Hòa bình 2013.
Phong trào Taliban ở Pakistan đã lên tiếng nhận trách nhiệm và tuyên bố họ đưa Malala vào tầm ngắm vì "vai trò mang tính tiên phong" của cô bé trong việc kêu gọi cung cấp hoạt động giáo dục cho các bé gái và bởi cô bé dám chỉ trích Taliban. Động thái này của Taliban đã làm dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội trong dư luận Pakistan cũng như trên toàn thế giới.
Malala Yousafzai là một bé gái 14 tuổi trở nên nổi tiếng vào năm 2009 nhờ viết một cuốn nhật ký cho BBC kể về cuộc sống của người dân trong khu làng dưới sự cai trị của các phiến quân Taliban.
Yousafzai là người tích cực vận động cho quyền được học tập của các trẻ em gái tại quê nhà khi Taliban ra lệnh đóng cửa tất cả trường học dạy nữ sinh. Yousafzai cũng nổi tiếng với những phát biểu phản đối Taliban ở Pakistan vào thời điểm mà ngay cả chính phủ dường như cũng phải nhượng bộ những kẻ Hồi giáo cực đoan này.
Năm 2011, Yousafzai được Pakistan trao giải Hòa bình quốc gia và được đề cử giải Hòa bình thiếu nhi quốc tế. Không những thế, một ngôi trường ở Pakistan được đặt tên Malala Yousafzai để vinh danh em.
Nguồn Tổng hợp/Khampha