Ảnh: Lowy Insitute.
Thay đổi vào phút chót của ông Tập khiến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung sụp đổ
Ba tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình có vẻ tự tin rằng một cuộc chiến thương mại kéo dài hàng năm trời với Mỹ có thể sớm lắng xuống, mang lại cho ông một chiến thắng chính trị lớn.
Ông thậm chí còn có bài phát biểu nói rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ sở hữu trí tuệ, khuyến khích đầu tư nước ngoài và mua thêm hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài, những điều mà Mỹ đã yêu cầu khi 2 nước cố gắng đàm phán một thỏa thuận.
Nhưng chỉ một tuần sau bài phát biểu đó, các nhà đàm phán Trung Quốc đã gửi cho người Mỹ một bản thỏa thuận dự thảo được viết lại, khiến Tổng thống Trump cáo buộc Bắc Kinh từ bỏ các điều khoản đã được chốt lại.
Trước đó, các quan chức Mỹ cũng lạc quan về một thỏa thuận. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết rằng các cuộc đàm phán “đã đi vào những vòng cuối cùng”.
Nhưng vào ngày 1.5, ông Tập đã yêu cầu thay đổi đáng kể về thỏa thuận phôi thai mà ông Lưu Hạc đã đàm phám trong nhiều tháng với nhóm của ông Trump, New York Times (NYT) trích dẫn những người am hiểu các cuộc đàm phán cho hay. Nguồn tin của NYT cũng cho biết những thay đổi đã được thảo luận với các nhà lãnh đạo chủ chốt khác của Trung Quốc.
Ông Lưu Hạc, (Phó Thủ tướng Trung Quốc và là trưởng phái đoàn đàm phán Trung Quốc), ông Steven Mnuchin (Bộ trưởng Tài chính Mỹ), ông Robert Lighthizer (Đại diện Thương mại Mỹ). Ảnh: NYT/Reuters. |
Ngay sau đó, các nhà đàm phán Trung Quốc đã gửi cho các đối tác Mỹ của họ một phiên bản của thỏa thuận dự thảo với nhiều đoạn bị cắt bớt hay thay đổi.
Nhiều chuyên gia Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra những quan điểm khác nhau về những gì đã khiến ông Tập thực hiện những thay đổi. Một số nhận xét rằng Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đã nhận định rằng ông Trump rất háo hức với một thỏa thuận, và các nhà đàm phán Mỹ sẽ chấp nhận những thay đổi vào phút cuối.
Một số khác thì nhận định rằng ông Tập có thể đã kết luận muộn màng rằng những thay đổi luật pháp Trung Quốc mà Mỹ yêu cầu sẽ là một sự thách thức với danh dự quốc gia. Ông Tập cũng phải chú ý đến phản ứng của các nhà lãnh chủ chốt khác và của dư luận Trung Quốc. Việc nhượng bộ Mỹ đi ngược với hình ảnh về một nhà lãnh đạo mạnh mẽ mà ông Tập đã luôn thể hiện.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng có thể đã nhận định sai bối cảnh chính trị ở Mỹ và đoán rằng ông Trump rất háo hức với một thỏa thuận, và phía Trung Quốc có thể giành lợi thế từ sự háo hức này.
Scott Kennedy, một cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nhận định: “Suy nghĩ ông Trump muốn có một thỏa thuận để thúc đẩy thị trường chứng khoán có thể khiến phía Trung Quốc cho rằng họ có thể dấn tới”.
Chính quyền Trump đã yêu cầu các hình phạt mạnh mẽ hơn cho các hành động vi phạm bằng sáng chế nước ngoài; các quy định luật pháp chặt chẽ hơn để ngăn chặn người Trung Quốc yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao các công nghệ quan trọng… Nhưng những thay đổi như vậy cần phải được Quốc hội Trung Quốc thông qua.
Cui Liru, cựu chủ tịch của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cho biết: “Những điều kiện mà người Mỹ nêu ra cho một thỏa thuận là cực kỳ khó chấp nhận, ít nhất là từ quan điểm chính trị”. Ông nói thêm: “Nó giống như là yêu cầu sự thay đổi của hệ thống chính trị Trung Quốc”.
Một cảng Container tại Thượng Hải. Ảnh: AP/NYT. |
Các nhà đàm phán Mỹ thì nhìn nhận Trung Quốc từ chối đưa ra các cam kết về pháp luật như một dấu hiệu cho thấy người Trung Quốc đang đưa ra những lời hứa mà họ không có ý định thực hiện. Ngoài ra, việc Trung Quốc yêu cầu Mỹ loại bỏ tất cả các mức thuế mới như là một phần của thỏa thuận cũng là điều mà phía Mỹ khó chấp nhận.
Việc hai nước nhanh chóng lôi nhau vào một cuộc chiến ngôn từ và thuế quan trả đũa qua lại làm ngạc nhiên ngay cả các nhà phân tích dày dạn kinh nghiệm. Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã liên tục chỉ trích phía Mỹ.
“Nếu bất cứ ai coi Trung Quốc là con mồi, một 'quả hồng mềm' có thể bị chèn ép nếu muốn, thì tâm trí của họ bị mắc kẹt trong thế kỷ 19 hay đang tự lừa dối mình”, một bài xã luận trên Tân Hoa Xã có đoạn viết.
Ông Christopher K. Johnson, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Có thể cần 6 đến 12 tháng trước khi hai bên quay trở lại và đàm phán về một thỏa thuận nghiêm túc”.
Hôm 13.5, ông Trump cho biết rằng ông sẽ gặp ông Tập trong cuộc họp nhà lãnh đạo Nhóm G20 tại Osaka, Nhật Bản vào tháng tới. Nhưng một cuộc họp như vậy có lẽ cũng sẽ chỉ mở đường để hai bên thảo luận nhiều hơn.
“Rất khó để nghĩ rằng Trung Quốc sẽ lùi bước trước những áp lực này”, ông Wang Yong, giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận định. Ông nói thêm: “Họ phải để ý đến quan điểm của công chúng”.
Nguồn NYT