Thập kỷ mất mát của Nhật Bản cuối cùng đã kết thúc?
Sau đó, vào năm 1990, bong bóng thị trường vỡ, Nhật Bản bắt đầu hơn 20 năm trì trệ và giảm phát. Lúc này, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều tránh không đầu tư vào Nhật Bản. Cuối năm 1989, chỉ số chứng khoán Topix đạt 2.881 điểm và bây giờ, chỉ số này chỉ bằng gần một nửa.
Rất có thể thời điểm này, hàng thập kỷ mất mát cuối cùng đã kết thúc. Các thị trường Nhật Bản đã hồi phục trở lại và bắt đầu tác động đến thị trường toàn cầu. Từ đầu năm, chỉ số Topix đã tăng hơn 40%, vượt xa mức tăng của chỉ số Dow Jones và hầu hết các chỉ số chứng khoán lớn khác.
Đồng yên giảm mạnh, xuống dưới 100 yên/USD lần đầu tiên trong 4 năm khiến các công ty Nhật Bản có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Đồng thời, yên suy yếu có thể thúc đẩy lạm phát, khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu và các công ty đầu tư.
Giám đốc điều hành quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO ông El-Erian cho rằng những gì đang xảy ra ở Nhật Bản là một cuộc cách mạng. Mặc dù hãy còn quá sớm để đánh giá chính sách Abenomics có thành công hay không nhưng nhà đầu tư đã bắt đầu thay đổi kỳ vọng vào Nhật Bản.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đầu tháng 4 đã tung ra gói kích thích kinh tế với quy mô lớn chưa từng có và vẫn giữ mức lãi suất ngắn hạn gần bằng 0%.
Vậy, chính sách của BOJ có hiệu quả hay không? Các số liệu mới nhất của chính phủ phát hành hồi tháng 3 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng Nhật Bản giảm 0,5% nhưng giá trái phiếu cho thấy kỳ vọng lạm phát trong 2 năm tới kể từ bây giờ của Nhật Bản tăng vượt 1,6%.
Các chuyên gia cho rằng, tâm lý của người tiêu dùng Nhật Bản thực sự có thể thay đổi. Mọi người bắt đầu bỏ tiền vào các quỹ đầu tư cổ phiếu ở Nhật Bản và mua sắm hàng hoá xa xỉ.
Chính sách kích thích kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - gọi là Abenomics bao gồm 3 "mũi tên": nới lỏng tiền tệ, chính sách tài chính và cải cách cơ cấu. Hiện nay mới chỉ có chính sách nới lỏng tiền tệ được tiến hành. Đây cũng là nguyên nhân khiến đồng yên suy yếu và tăng khả năng cạnh tranh của các công ty Nhật Bản.
Trong một bài phát biểu vào tháng 4, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bà Christine Lagarde cảnh báo chính sách tài khoá của Nhật Bản "có vẻ không bền vững", tỷ lệ nợ/GDP hiện nay đang ở mức cao 245%.
Theo M. Campbell Gunn - nhà quản lý danh mục đầu tư của quỹ T. Rowe Price Japan, nợ của Nhật Bản không giống các quốc gia khác bởi các chủ nợ phần lớn là người dân Nhật Bản và được tính bằng tiền tệ của chính họ. Hơn nữa, Nhật Bản có thặng dư tài khoản vãng lai ổn định và không chịu áp lực từ thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, hiện nay vấn đề cơ cấu là một trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế. Dân số nước này người già chiếm ngày càng nhiều và số lượng dân số giảm mạnh, theo Roger Aliaga - Diaz, nhà kinh tế học cấp cao của Vanguard. Ông Aliaga nói rằng trừ khi Nhật Bàn cho phép nhập cư để bù đắp sự thiếu hụt dân số, nếu không những hạn chế về nhân khẩu học có thể giảm 1,3 điểm phần trăm GDP một năm.
Vì vậy, theo ông Aliaga, Nhật Bản có thể tiến hành những cải cách như thay đổi tuổi nghỉ hưu, loại bỏ các trở ngại đối với lực lượng lao động là phụ nữ có thể cải thiện vấn đề dân số tốt hơn nhưng với tốc độ chậm chạp.
El-Erian cho biết các thị trường Nhật Bản đã thức dậy, kinh tế có thể được phục hồi và đồng yên chắc chắn sẽ xâm nhập vào các thị trường khác trên thế giới. Song, gánh nặng nợ và các vấn đề về cơ cấu có thể khiến chương trình kích thích của Nhật Bản có rủi ro rất cao.
Nguồn NewYorkTimes/Dân Việt