Chủ Nhật | 25/05/2014 11:58

Thao túng giá vàng, Barclays bị phạt 43,9 triệu USD

Barclays đã bị FCA phạt 43,9 triệu USD do không quản lý được xung đột lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng cũng như kiểm soát nội bộ yếu kém.
Cơ quan Giám sát tài chính Anh (FCA) đã tuyên phạt ngân hàng Barclays 43,9 triệu USD sau khi cơ quan này buộc tội một cựu chuyên viên giao dịch tại Barclays đã can thiệp một cách sai trái đến giá vàng bằng chi phí của một khách hàng.

Trụ sở Barclays tại London
Trụ sở Barclays tại London

FCA tuyên phạt Barclays vì ngân hàng này đã không quản lý hợp lý xung đột lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng và thất bại trong kiểm soát nội bộ từ năm 2004 đến năm 2013.

FCA cũng tuyên phạt cựu chuyên viên giao dịch của Barclays, Daniel James Plunkett, 95.600 bảng Anh và cấm ông này tham gia vào bất kỳ hoạt động tài chính nào. FCA cho biết, ông Plunkett đã trục lợi bằng chi phí của một khách hàng, người mà sau đó đã được Barclays đền bù đầy đủ.

Hành động của ông Plunkett diễn ra vào ngày 28/6/2012, cái ngày sau khi FCA và chính phủ Mỹ thông báo khoản tiền phạt 450 triệu USD đối với Barclays do thao túng lãi suất cơ bản toàn cầu, kể cả lãi suất liên ngân hàng London, Libor.

“Việc Barclays thiếu kiểm soát và việc chuyên viên giao dịch của ngân hàng này không đếm xỉa đến quyền lợi của khách hàng đã một lần nữa làm xấu đi hình ảnh của ngành dịch vụ tài chính. Và việc lợi dụng khách hàng để kiếm lợi nhanh chóng sẽ khiến chuyên viên giao dịch của ngân hàng mất danh tiếng cũng như sinh kế”, Tracey McDermott, giám đốc phụ trách thực thi luật lệ và tội phạm tài chính của FCA, cho biết.

Khoản tiền phạt Barclays được đưa ra sau khi FCA tiến hành kiểm tra xem liệu quá trình cố định giá vàng có tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế mới về mức giá chuẩn hay không.

Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang Đức (BaFin) cũng thừa nhận rằng cơ quan này đang theo dõi hoạt động thương mại các kim loại quý như một phần trong kế hoạch điều tra hoạt động thao túng thị trường tiền tệ.

Quy trình thiết lập giá chuẩn cho vàng tại London được đưa ra từ năm 1919. Mức giá này do 5 ngân hàng thiết lập 2 lần/ngày, đó là Barclays, Société Générale, Deutsche Bank, Scotiabank và HSBC.

Nhưng năm nay Deutche Bank cho biết ngân hàng này sẽ rút khỏi quy trình cố định giá vàng và giá bạc như một phần kế hoạch thoát ra khỏi hoạt động kinh doanh hàng hóa do lo ngại về những vấn đề pháp lý.

Quy trình cố định giá bạc tại London được dự kiến chấm dứt vào tháng 8 sau khi Deutsche Bank rời khỏi nhóm 5 ngân hàng nêu trên.

Barclays cho biết ngân hàng đã hết sức hợp tác với FCA khi điều tra vụ việc. Ngân hàng này cam kết dùng “các nguồn lực quan trọng” để nâng cao khả năng kiểm soát nội bộ liên quan đến việc cố định giá vàng.

Antony P. Jenkins, giám đốc điều hành Barclays, cho biết “Chúng tôi rất lấy làm tiếc về vụ việc xảy ra. Barclays đã và đang tiến hành các công việc cần thiết để cải thiện hệ thống và hoạt động kiểm soát cũng như cam kết tiêu chuẩn cao nhất trong mọi hoạt động của ngân hàng”.

Số tiền phạt áp dụng với Barclays và ông Plunkett được giảm 30% vì đã đồng ý hợp tác ngay từ giai đoạn đầu của quá trình điều tra.

Hôm thứ 6 (23/5), FCA đã buộc tội ông Plunkett, giám đốc phụ trách mảng kim loại quý của Barclays, đặt nhiều đơn hàng với mục đích làm giảm giá vàng trong thời gian cố định giá vàng tại London vào ngày 28/6/2012. Bằng cách làm như vậy, Barclays có thể tránh được khoản thanh toán 3,9 triệu USD cho khách hàng đang nắm giữ “hợp đồng quyền chọn nước ngoài”.

Kết quả là sổ giao dịch (trading book) của ông Plunkett ghi nhận khoản lãi 1,75 triệu USD. Ông Plunkett chịu trách nhiệm định giá các sản phẩm liên quan đến giá kim loại quý và quản lý rủi ro tài chính liên quan đến các loại sản phẩm như vậy.

Ngay sau ngày 28/6/2012, khách hàng nêu trên đã yêu cầu Barclays giải thích điều gì đã xảy ra. Tuy nhiên, giải thích của Barclays không thỏa đáng. Đồng thời, ông Plunkett không nói rõ về hoạt động giao dịch của mình và đã đánh lừa cả Barclays và FCA về các hoạt động của mình.

Án phạt hôm thứ 6 ngày 23/5 của FCA là vụ tai tiếng gần đây nhất đối với Barclays khi ngân hàng này đang cố gắng tạo dựng lại danh tiếng sau khi trở thành ngân hàng đầu tiên thừa nhận đã làm sai trong vụ bê bối Libor 2 năm trước.

Ông Antony Jenkins đang cố gắng thay đổi văn hóa tại Barclays kể từ khi ông được bổ nhiệm là giám đốc điều hành ngân hàng này sau vụ bê bối Libor năm 2012 và gần đây đã có thông báo về việc tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.

Đầu tháng này, Barclays đã công bố kế hoạch thu hẹp quy mô hoạt động ngân hàng đầu tư bằng việc cắt giảm 7.000 việc làm. Ngân hàng này dự định giảm 19.000 việc làm trong vòng 3 năm tới.

Ngoài việc phải giải quyết những bất lợi về uy tín, Barclays còn phải đối mặt với môi trường trái phiếu đầy khó khăn, lợi nhuận sụt giảm và yêu cầu pháp lý ngày càng nghiêm ngặt hơn liên quan đến mức vốn ngân hàng này được nắm giữ.

Với hy vọng gia tăng lợi nhuận và giảm tính “dễ tổn thương” trong môi trường nhiều rủi ro hơn, Barclays sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực chủ chốt: ngân hàng bán lẻ và ngân hàng doanh nghiệp, chủ yếu tại Anh; thẻ tín dụng; hoạt động ngân hàng tại châu Phi; và với mức độ nhỏ hơn, ngân hàng đầu tư.

Nguồn Theo DVO/New York Times


Sự kiện