Reuter

 
Minh Hoàng Thứ Ba | 13/03/2018 09:05

Thanh toán tiền mặt tiếp tục gia tăng trên toàn cầu

Lượng tiền mặt được đưa vào lưu thông trên thế giới vẫn tiếp tục tăng trong những năm gần đây.

Báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, lượng tiền mặt được đưa vào lưu thông trên thế giới vẫn tiếp tục tăng trong những năm gần đây, từ 7% GDP hồi năm 2000 lên 9% GDP trong năm 2016, bất chấp xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến.

Tốc độ tăng này vẫn chậm hơn nhiều so với các hoạt động thanh toán bằng thẻ, tuy nhiên lại diễn ra ở hầu hết các nền kinh tế thị trường phát triển và mới nổi, ngoại trừ Thụy Điển và một số ít quốc gia khác.

"Cuộc chiến với tiền mặt" nhằm chuyển từ phương thức thanh toán bằng tiền mặt sang các phương thức thanh toán điện tử. Tuy nhiên, các nhóm hưởng lợi từ lưu thông tiền mặt như các công ty sản xuất giấy và máy in tiền cũng có những lý lẽ riêng để bảo vệ phương thức thanh toán lâu đời này.

Tiền mặt vẫn luôn soán ngôi vương nhưng từ cuối những năm 1990, các công nghệ mới ra đời đã giúp cho giao dịch không sử dụng tiền mặt trở nên khả thi. Tờ Business Insider kể ra một số phương thức thanh toán thay thế như: thanh toán qua trung gian, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua điện thoại thông minh và thanh toán bằng tiền điện tử.

Theo tạp chí Forbes, từ năm 2010-2015, số lượng giao dịch không sử dụng tiền mặt đã tăng 50%. Các nước Úc, Singapore, Mỹ và Liên minh châu Âu đã loại bỏ hoặc đang đề xuất loại bỏ các đồng tiền có mệnh giá lớn. Pháp đang xem xét cấm giao dịch tiền mặt trên 1.000 Euro. Còn Hàn Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xóa bỏ hoàn toàn tiền mặt.

CNN Money chỉ ra 3 nguyên nhân khiến cho giao dịch điện tử có ưu thế hơn tiền mặt. Việc loại bỏ các đồng tiền mệnh giá lớn sẽ là một trở ngại đáng kể đối với tội phạm khủng bố, buôn ma túy, rửa tiền và trốn thuế. Thanh toán điện tử giúp cho các nhà quản lý kiểm soát nền kinh tế tốt hơn. Không những thế, giao dịch không dùng tiền mặt lại nhanh và hiệu quả hơn.

"Trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức thanh toán điện tử, một nhóm các công ty trong chuỗi cung ứng tiền mặt đã thành lập Hiệp hội Tiền tệ Quốc tế. Họ là những nhà sản xuất giấy, mực và máy in tiền mặt. Mục đích thành lập Hiệp hội này là nhằm điều phối các nỗ lực để duy trì ngôi vương tiền mặt trong hệ thống giao dịch hiện nay.

Tờ Business Insider trích dẫn ý kiến của Hiệp hội Tiền tệ Quốc tế cho rằng, giao dịch điện tử sẽ hạn chế quyền riêng tư vì nó làm gia tăng khả năng tiếp cận của Chính phủ đối với các giao dịch và thông tin cá nhân. Người dân cũng không còn quyền tự do cất giữ tiền bạc bên ngoài hệ thống ngân hàng. Chưa kể, khách hàng sẽ luôn là người chịu thiệt trong các kịch bản bảo lãnh ngân hàng hoặc xảy ra sự cố an ninh mạng.

Nguồn CNN