Thứ Tư | 16/04/2014 12:01

Thanh toán di động – Cuộc đua bắt đầu nóng giữa các đại gia công nghệ

Dịch vụ thanh toán, gửi tiền trên điện thoại di động bùng nổ mạnh thời gian gần đây đang đe dọa các ngân hàng truyền thống.
Baidu, hãng cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên internet hàng đầu của Trung Quốc, vừa ra mắt dịch vụ thanh toán trên điện thoại di động và quản lý tài sản sau khi các đối thủ của họ ra các sản phẩm tương tự.

Tập đoàn Alibaba, thông qua bộ phận kinh doanh Alipay đã cho ra mắt dịch vụ ví điện tử Alipay Wallet hồi tháng 1/2013 bao gồm một sản phẩm đầu tư thị trường tiền tệ có tên gọi Yu'e Bao. Sản phẩm này được cho là dịch vụ mang lại lợi suất cao hơn cho người gửi tiền ngân hàng truyền thống.

Tiếp đó, đến tháng 8, Tencent trình làng WeChat Payment, một dịch vụ đầu tư và thanh toán thông qua ứng dụng tin nhắn trên điện thoại di động WeChat.

Gần đây nhất, Facebook cho biết đang chờ phê duyệt để chính thức bước vào thị trường tài chính điện tử với dịch vụ chuyển tiền và thanh toán trực tuyến.

Baidu cho ra mắt nhiều loại sản phẩm quản lý tài sản tuy nhiên ứng dụng Baidu Wallet sẽ có thêm chức năng thanh toán trên điện thoại di động, giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn để sử dụng quỹ đầu tư của mình.

Xu hướng gia nhập thị trường tài chính điện tử của các đại gia công nghệ thời gian gần đây khiến các ngân hàng truyền thống lo ngại sẽ mất đi một nguồn tiền gửi giá rẻ để chuyển sang các sản phẩm thị trường tiền tệ trực tuyến.

Tại Trung Quốc, dịch vụ gửi tiền trên mạng bùng nổ mạnh được ví như “ma cà rồng hút máu” buộc các ngân hàng lớn phải cầu cứu đến cơ quan điều tiết.

Không giống dịch vụ ngân hàng đòi hỏi giao dịch trong giờ hành chính và thậm chí mất hơn 1 ngày để hoàn tất, dịch vụ tiền gửi này không yêu cầu mức gửi tối thiểu, không kèm đòi hỏi về thời gian, cho phép khách hàng chuyển tiền hoặc rút tiền khỏi tài khoản 24/24 giờ hàng ngày.

Theo Tân Hoa xã, tính đến ngày 28/2, tổng lượng tiền gửi bằng dịch vụ này đã vượt 500 tỷ nhân dân tệ (80 tỷ USD), gấp đôi con số Alipay công bố hồi giữa tháng 1. Hiện có ít nhất 6 công ty công nghệ khác cũng cho ra loại hình dịch vụ này trong đó có Baidu và Tencent với lãi suất lên tới 10%. Điều này đe dọa sẽ hút ngay càng nhiều lượng tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Nguồn Gafin/Reuters, Bloomberg/NCĐT


Sự kiện