Thành phố ma Trung Quốc giúp giải quyết khủng hoảng di cư châu Âu?
Gần 150.000 người tị nạn Syria đã tràn tới châu Âu và hàng chục ngàn người khác đang tìm cách đổ về đây để tìm cơ hội sống. Trong khi đó, tại Trung Quốc, hàng triệu căn hộ mới xây bị bỏ hoang, không một bóng người.
Sự tương phản này dường như khiến nhiều người tìm cách liên hệ hai câu chuyện với nhau. Chính vì vậy, hòm thư điện tử của ông Wade Shepar, tác giả cuốn sách về những thành phố ma của Trung Quốc, gần đây luôn tràn ngập những gợi ý như: Ông có nghĩ có thể sử dụng những thành phố ma tại Trung Quốc, dù chỉ mang tính tạm thời, làm nơi ăn chốn ở cho người tị nạn Syria hay không?
Ý tưởng này cũng dễ dàng tìm thấy trên các mạng xã hội. Và chỉ riêng trên Twitter, cứ 10 kết quả tìm kiếm về thành phố ma Trung Quốc thì có tới 7 đề xuất cho người tị nạn Syria.
Ý tưởng đó nghe có vẻ logic, nhưng trên thực tế thì không có mấy cơ sở để phân tích sâu.
Cuộc khủng hoảng di cư hiện nay được cho là tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ II. Câu chuyện không chỉ đơn giản là quan hệ cung-cầu. Hơn nữa, các thành phố ma của Trung Quốc cũng mang màu sắc khác.
Dù hiện Trung Quốc có đến 20-45 triệu căn nhà bỏ hoang, tương đương 600 triệu m2 không gian sàn nhà không có người ở - tương đương diện tích của thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, song đây không phải là đất đô thị bỏ hoang như mọi người vẫn nghĩ.
Mặc dù rất nhiều những thành phố và huyện thị mới của Trung Quốc vẫn vắng bóng người, nhưng phần lớn đã có chủ. Hầu như mọi căn hộ khi được tung ra thị trường đều được nhanh chóng được mua, thường với giá "trên trời", dao động ở mức hàng trăm nghìn USD.
Nếu ai đó nghĩ rằng đây là hệ thống cơ sở hạ tầng chẳng ai thèm quan tâm và có thể đưa người tị nạn vào đó ở cho đỡ lãng phí, thì đây là ý nghĩ hoàn toàn sai lầm. Những căn hộ không người ở tại thành phố ma hóa ra lại là tài sản "đáng tự hào", ngốn nhiều tiền của của chủ nhân.
Vậy, tại sao người ta lại bỏ một khoản tiền lớn không thể tin nổi vào những căn nhà mà không có ý định sẽ sử dụng?
Trên toàn thế giới, giá trị của căn nhà vượt xa hơn các chức năng tiện dụng của một nơi để sinh sống. Bất động sản cũng là một thực thể kinh tế quan trọng mang lại doanh thu cho người đầu tư. Đây cũng một con đường giữ tài sản.
"Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc mua bất động sản dựa vào đồn đoán giá sẽ tiếp tục tăng và cho rằng đây là kênh đầu tư an toàn và bền vững mà họ có thể dễ dàng hiểu được", Mark Tanner, giám đốc sáng lập của Skinny Trung Quốc, một công ty nghiên cứu thị trường trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
Khoảng 39% người giàu Trung Quốc đầu tư vào nhà đất và, theo tập đoàn Nomura, 21% các hộ gia đình thành thị tại Trung Quốc sở hữu nhiều hơn một căn nhà. Lý do chính của hiện tượng này là do người dân khó tìm được lựa chọn đầu tư nào tốt hơn.
Chính sách lãi suất của các ngân hàng Trung Quốc thiếu tích cực và ngày càng kém hấp dẫn khi đồng nội tệ giảm giá. Sản phẩm quản lý tài sản chưa phát triển đầy đủ và không chịu sự kiểm soát gắt gao của chính phủ, trong khi thị trường chứng khoán được ví von là "sòng bạc".
Còn nhiều lý do khác khiến những căn hộ mới mọc lên của Trung Quốc lại vắng bóng người. Tuy nhiên, dù có hàng chục triệu căn hộ trống ở Trung Quốc nhưng không có nghĩa chúng là những thứ bị ruồng bỏ và vẫn có giá trị kinh tế.
Hơn nữa, khủng hoảng di cư cũng không thể giải quyết chỉ bằng chỗ ở. Thế nên, việc đưa người di cư tới đây lấp chỗ trống cũng chỉ tồn tại trên ý tưởng mà thôi!
Nhật Trường
Nguồn Reuters