Thứ Năm | 16/08/2012 14:01

Thành phố lớn của Anh dùng loại tiền riêng tránh khủng hoảng

Thành phố Bristol của Anh sẽ phát hành tiền tệ riêng trong bối cảnh khủng hoảng châu Âu và bê bối hệ thống ngân hàng Anh bào mòn niềm tin người dân.
b

Dự kiến, đồng bảng Bristol sẽ ra mắt vào tháng 9 tới và chỉ sử dụng giữa các doanh nghiệp thành viên ở thành phố Tây Nam nước Anh này. Có vẻ kế hoạch đạt được bước đầu thành công khi hàng trăm doanh nghiệp địa phương từ trung tâm nghệ thuật nổi tiếng Arnolfini đến chuỗi cửa hàng đồ ăn sẵn Chandos ồ ạt xếp hàng đăng ký tham gia vào hệ thống.

Nhiều cửa hàng từ các tiệm bán rượu táo đến hàng bán giầy cho biết đang cân nhắc tham gia vào hệ thống thanh toán này.

Một số thị trấn ở Anh đã phát hành đồng tiền riêng của mình, nhưng Bristol với nửa triệu dân là thành phố lớn đầu tiên triển khai và càng lạ lùng khi Bristol nổi tiếng là một cảng biển quốc tế, và hiện tại là trung tâm sản xuất máy bay.

Kế hoạch của thành phố tương đối tham vọng. Các doanh nghiệp có thể trả thuế địa phương bằng đồng bảng Bristol, và ủy ban thành phố đã đề nghị 17.000 công chức chọn nhận 1 phần lương bằng đồng tiền này.

Một thành viên nhóm đồng sáng lập hệ thống, ông Ciraran Mundy đang thiết kế hệ thống thanh toán điện tử bằng tin nhắn. Ông Mundy tin đồng tiền sẽ có tác động thấy rõ lên kinh tế địa phương. Ông cho rằng 80% lượng tiền sẽ rời khu vực nếu nó dùng trên nhiều quốc gia, trong khi 80% lượng đó sẽ ở lại nếu chỉ sử dụng giữa các thương gia địa phương.

Ông Mundy hy vọng hàng trăm hay hàng nghìn bảng Bristol sẽ được giao dịch trong năm đầu tiên, và tăng lên "hàng chục triệu" tới năm thứ 3.

Chuyên gia chứng khoán Richard Wright ngay lập tức đăng ký công ty Wright Guard ngay khi biết tới đồng bảng Bristol, hy vọng công ty của mình có thể cạnh tranh với các đối thủ ngành chứng khoán lớn. Ông cho biết là  một người sinh ra và lớn lên ở Bristol, ông luôn muốn hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương và muốn giúp đồng bảng Bristol lưu thông.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ ý tưởng này. Louisa Jones và Joh Rindon, đồng sở hữu cửa hàng quần áo Shop Dutty cho rằng hệ thống tiền tệ như vậy chỉ làm tăng gánh nặng hành chính của họ, và cho rằng mô hình kinh tế vi mô nằm trong nền kinh tế lớn là lạc hậu.

Nguồn Telegraph/ Khampha


Sự kiện