Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc liên tiếp tăng cao kỷ lục. Ảnh: Getty Images
Thanh niên Trung Quốc được trả tiền để "làm con" toàn thời gian
Mệt mỏi vì áp lực phải thành công với tư cách là một nhiếp ảnh gia, cô Litsky Li đã chấp nhận một lời đề nghị tốt hơn: nghỉ việc để trở thành một trong những “đứa con” được gia đình trả tiền để ở nhà, và số lượng những “đứa con” này đang ngày càng tăng.
Cô Li, 21 tuổi, hiện dành cả ngày để đi mua hàng tạp hóa cho gia đình ở trung tâm thành phố Lạc Dương và chăm sóc bà ngoại mắc chứng mất trí nhớ. Cha mẹ cô trả cho cô mức lương 6.000 nhân dân tệ (835 USD) một tháng, được coi là mức lương ổn định của tầng lớp trung lưu trong khu vực cô sinh sống.
Cô Li cho biết: “Lý do tôi ở nhà là vì tôi không thể chịu được áp lực của việc đi học hoặc đi làm. Tôi không muốn cạnh tranh gay gắt với các bạn đồng trang lứa. Vì vậy, tôi chọn "nằm yên" hoàn toàn,” cô nói, sử dụng một cụm từ phổ biến ám chỉ việc tránh xa những giờ làm việc mệt mỏi và các giá trị gia đình truyền thống để theo đuổi một cuộc sống đơn giản hơn.
“Tôi không nhất thiết cần một công việc được trả lương cao hơn hay một cuộc sống tốt hơn,” cô nói thêm.
Và cô Li không đơn độc. Cụm từ “con trai/con gái toàn thời gian” đã xuất hiện lần đầu tiên trên trang mạng xã hội nổi tiếng Trung Quốc Douban vào cuối năm ngoái. Hàng chục nghìn thanh niên chia sẻ rằng họ đang rút lui về nhà vì đơn giản là họ không thể kiếm được việc làm.
Tình trạng thất nghiệp này đã kéo theo không ít trở ngại tiêu dùng trong nước ảm đạm, sự thoái trào của ngành công nghiệp tư nhân và thị trường bất động sản gặp khó khăn trở thành vấn đề đau đầu đối với giới chức Trung Quốc khi quá trình phục hồi hậu COVID của đất nước đang chững lại.
Và vấn đề có thể lớn hơn nhiều so với dữ liệu chính thức cho thấy.
Ông Zhang Dandan, Phó giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, cho biết nếu tính cả 16 triệu thanh niên “nằm bẹp” ở nhà hoặc dựa vào cha mẹ, tỷ lệ thất nghiệp thực sự của thanh niên có thể lên tới 46,5% trong tháng 3.
Một xu hướng đang lên
Những người ở độ tuổi 30 trước đây đã học tập và nỗ lực hết mình để thăng tiến trong sự nghiệp, và thường làm rất ít việc ở nhà mặc dù cũng có nhiều trường hợp phải dựa vào sự giúp đỡ của gia đình để trả tiền thuê nhà và các chi phí khác. Ngược lại, những đứa trẻ “chuyên nghiệp” ngày nay dành thời gian cho cha mẹ và làm việc nhà để đổi lấy hỗ trợ tài chính.
“Nếu bạn nhìn chúng tôi từ một góc độ khác, chúng tôi chẳng khác gì những người trẻ tuổi có việc làm,” cô Li nói.
“Họ đi làm ở các thành phố và kiếm được mức lương hàng tháng từ 3.000 đến 4.000 nhân dân tệ (419- 559 USD). Nhưng họ vẫn ăn ở nhà của cha mẹ, sống với cha mẹ hoặc nhờ cha mẹ trả tiền cho căn hộ hoặc xe hơi của họ. Chi phí sinh hoạt của họ được cha mẹ chi trả một phần,” cô nói.
Các nhà xã hội học cho biết các biện pháp nghiêm ngặt đối với đại dịch đã góp phần khiến số lượng thanh niên suy nghĩ lại về mục tiêu cuộc sống của họ một cách triệt để và các bậc cha mẹ thì ủng hộ điều đó.
Cơ hội bị thu hẹp, cạnh tranh gay gắt
Sau đợt bùng nổ hoạt động đầu năm nay, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại và niềm tin kinh doanh vẫn còn yếu. Khu vực tư nhân, xương sống của nền kinh tế và là nguồn tạo việc làm lớn nhất, đã bị ảnh hưởng bởi một cuộc đàn áp sâu rộng kể từ cuối năm 2020.
Cô Nancy Chen, một “đứa con toàn thời gian” ở tỉnh Giang Tây phía đông, cho biết, cô đang giảng dạy tại một trường dạy kèm tư nhân sau khi tốt nghiệp đại học nhưng bị mất việc vào năm 2021 khi chính quyền cấm các dịch vụ dạy kèm vì lợi nhuận. Ngoài công việc gia đình, cô ấy còn bận xin một chân làm công chức và thi cao học.
Hội chợ việc làm buổi tối tại Khu Văn hóa Lịch sử Cung điện Wanshou 2023 ở tỉnh Giang Tây, đông nam Trung Quốc Ảnh: Getty Images |
Cô Chen nói rằng, cô ấy chưa đạt được bất cứ điều gì vì “sự cạnh tranh khốc liệt”. Có 30.000 ứng viên cho ba vị trí tuyển dụng gần đây tại chính quyền thành phố ở tỉnh của cô.
“Nhưng tôi không thể làm con gái toàn thời gian được lâu,” cô nói. “Tôi cần vượt qua các kỳ thi hoặc tìm một công việc. Nếu không tôi sẽ bất an.”
Bà Ya-wen Lei, Giáo sư xã hội học tại Đại học Harvard, cho biết bà hy vọng hiện tượng công việc “làm con” sẽ không tồn tại lâu.
“Sự hỗ trợ mà họ nhận được từ cha mẹ trong bối cảnh này không có gì đáng ngạc nhiên, vì nhiều cha mẹ Trung Quốc hỗ trợ con cái họ trong nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, chẳng hạn như nhà ở, chi phí hôn nhân và chăm sóc con cái”, bà nói và cho rằng hầu hết người trẻ cuối cùng đều sẽ tìm được việc.
Ông George Magnus, cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford và Đại học SOAS ở London, cho biết “làm con” không phải là giải pháp khả thi cho vấn đề việc làm ở Trung Quốc.
Nhưng nếu những người trẻ tuổi không tham gia vào thị trường lao động để học hỏi các kỹ năng và tìm kiếm các cơ hội tốt hơn, thì họ sẽ còn thất nghiệp dài lâu.
Có thể bạn quan tâm:
Fed tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm
Nguồn CNN