Ngày đầu tiên người dân TP. HCM được ra đường sau thời gian dài giãn cách. Ảnh: Thanh Hương
Tháng 10 “hồi sinh” của các nước châu Á
Nỗ lực mở cửa trở lại
Bắt đầu từ ngày 1/10, các hoạt động được khôi phục một phần ở TP.HCM. Đây cũng là xu hướng chung trong tháng 10 của các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, khi tỉ lệ phủ vaccine tăng lên và nhiều nước (trừ Trung Quốc) nhận thấy họ không thể tiếp tục theo đuổi chiến lược "Zero-COVID" một thời là hình mẫu chống dịch của thế giới.
Giáo sư Khoa học Chính trị Yves Tiberghien tại Đại học British Columbia nhận định: "Việt Nam phải tìm ra con đường trung gian trong việc thực hiện biện pháp hạn chế, truy vết nhưng đồng thời mở cửa một phần".
Biến chủng Delta khiến nhiều nước phải thay đổi mô hình chống dịch. Ảnh: The Wall Street Journal. |
Không riêng gì nước ta, Nhật cũng đang lên kế hoạch bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, nới lỏng một số hạn chế, bao gồm cho phép các nhà hàng phục vụ rượu. Người đã tiêm ngừa đầy đủ cũng có thể đi du lịch kể từ mùa thu này.
Dù có số ca mắc còn cao, Hàn Quốc cũng hướng đến trạng thái bình thường mới trong phòng chống COVID-19, với hy vọng tiêm đủ 2 mũi vaccine cho 80% người trưởng thành trước cuối tháng 10.
Tại Malaysia, chính phủ nước này dự kiến tiếp tục nới lỏng biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó cho phép người dân đi lại xuyên bang trước giữa tháng 10. Trong khi đó, Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi tất cả người dân Indonesia chuẩn bị sống chung với COVID-19 vì virus này sẽ sớm biến thành một loại bệnh đặc hữu.
Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại một nhà ga xe lửa ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Trong tuần qua, Singapore, quốc gia đạt tỉ lệ tiêm chủng cao nhất khu vực và có lộ trình mở cửa chi tiết từ sớm, lại đang đối mặt với làn sóng ca nhiễm tăng đột biến. Nước này vẫn thận trọng mở cửa dần trong lúc bắt đầu triển khai tiêm mũi thứ 3 cho người cao tuổi và người có nguy cơ cao.
Áp lực kinh tế - xã hội từ mô hình "Zero COVID-19"
Chiến lược Zero COVIV-19 với số ca nhiễm bằng 0 được Trung Quốc, Australia và New Zealand áp dụng. Tuy nhiên, từ tháng 9, Australia cũng chuyển hướng và từ bỏ mô hình này. Theo ông Tiberghien, nhóm các quốc gia theo đuổi chiến lược trên đã thể hiện khả năng kiểm soát dịch tốt, ít lây lan trong cộng đồng giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, thành công đó cũng kéo theo nhiều tác dụng phụ. Trong khi các quốc gia phương Tây triển khai tiêm vaccine, các nước Zero COVID-19 chủ yếu dựa vào biện pháp kiểm soát biên giới và phong tỏa kéo dài. Điều này khiến nhiều nước chưa thật sự tập trung vào việc tiêm chủng.
Bên cạnh đó, mô hình "Zero COVID-19" còn gây áp lực về mặt kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân khi phải sống trong cảnh phong tỏa kéo dài nhiều tháng.
Nhóm thứ hai là nhóm các quốc gia quyết định “sống chung với lũ” – vừa mở cửa có lộ trình vừa kiểm soát dịch bệnh. Những quốc gia này có mức độ kiểm soát dịch bệnh cao thông qua xét nghiệm hàng loạt, truy vết các ca tiếp xúc nhờ công nghệ và kiểm dịch, cách ly hiệu quả.
Singapore là nước tiêu biểu trong nhóm này, có khả năng ngăn chặn dịch hiệu quả và tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Đầu tháng 9, cuộc chiến chống dịch của Singapore đạt được bước tiến quan trọng khi tỉ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ vượt mốc 80%.
Nhật Bản đại diện cho mô hình thứ ba. Nước này theo đuổi chiến lược giảm thiểu, áp đặt tình trạng khẩn cấp để hạn chế sự lây lan nhanh của virus. Mô hình chống dịch phần lớn phụ thuộc vào hệ thống chăm sóc sức khỏe và các hạn chế xã hội tự nguyện, như tránh không gian kín trong nhà, không gian đông đúc và môi trường tiếp xúc gần.
Cuối cùng, nhóm thứ tư và thứ năm đều là những quốc gia đang trong giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân và điều kiện đối phó dịch bệnh của các nước trong hai nhóm này khác nhau.
Nhóm thứ tư, tiêu biểu là Malaysia, việc mở cửa ồ ạt khiến làn sóng biến chủng Delta ngày càng lan rộng. Sự bất ổn chính trị cũng làm giảm hiệu quả kiểm soát của chính phủ và tạo ra sự hỗn loạn.
Trong khi đó, Indonesia và Philippines đại diện cho nhóm thứ năm, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa phát triển, cùng khó khăn trong việc tiếp cận vaccine đã dẫn đến các ca bệnh tăng đột biến.
Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á đang dần nới lỏng hạn chế, đưa hoạt động du lịch trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Theo ông Tiberghien, chiến lược "Zero COVID-19" có hiệu quả, nhưng nó quá tốn kém.
Có thể bạn quan tâm: