Một nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca ở Hàn Quốc. Ảnh: DPA.

 
Phùng Mỹ Thứ Tư | 11/08/2021 17:10

Tham vọng trở thành cường quốc vaccine của Hàn Quốc từ chiến lược tỉ USD

Sự thúc đẩy giúp nâng cao vị thế nước này như một nhà cung cấp toàn cầu các sản phẩm chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng sâu sắc.

Theo SCMP, Hàn Quốc lên kế hoạch đầu tư gần 2 tỉ USD để bước vào nhóm 5 nhà sản xuất vaccine COVID-19 lớn nhất thế giới vào năm 2025.

 

Kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm đưa vaccine COVID-19 vào nhóm ba công nghệ chiến lược quốc gia, bên cạnh vật liệu bán dẫn và pin.

Trong bối cảnh nỗ lực chống dịch của quốc gia Đông Bắc Á này đang bị cản trở bởi nguồn cung vaccine toàn cầu hạn chế và các hãng dược liên tục trễ hẹn đơn hàng, dự án nhằm mục đích nuôi dưỡng khoảng 200 nhà khoa học y tế mới, 10.000 chuyên gia thử nghiệm lâm sàng và 2.000 công nhân sản xuất sinh học.

Với lộ trình đầu tư gần 2.200 tỉ won (khoảng 1,92 tỉ USD) trong 5 năm, chiến lược này sẽ giúp Hàn Quốc chuẩn bị tốt hơn cho kịch bản COVID-19 kéo dài cũng như những đại dịch trong tương lai.

Một nhân viên y tế trong quầy xét nghiệm COVID-19 xịt chất khử trùng ở Seoul, Hàn Quốc ngày 4/8/2021. Ảnh: AP.
Một nhân viên y tế trong quầy xét nghiệm COVID-19 xịt chất khử trùng ở Seoul, Hàn Quốc ngày 4/8/2021. Ảnh: AP.

“Số tiền trên cũng sẽ được sử dụng để hỗ trợ phát triển vaccine nội địa, bao gồm đảm bảo công nghệ gốc cho các sản phẩm mRNA”, Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol cho biết.

"Chúng ta không thể biết trước đại dịch nào sẽ giáng đòn lên thế giới lần sau. Hàn Quốc cần phát triển ngành vaccine để giữ nền kinh tế sống sót trong tương lai", chuyên gia khoa học chính trị Yoon Sung-suk tại Đại học Quốc gia Chonnam, cảnh báo.

Ông Yoon đánh giá Hàn Quốc cần tự trang bị năng lực phát triển và sản xuất vaccine để bảo vệ chính mình trước đại dịch. Thành công trong lĩnh vực này còn giúp Hàn Quốc củng cố vị thế nhà cung cấp sản phẩm chiến lược toàn cầu, điều đặc biệt quan trọng giữa bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng phức tạp và nhiều lần đe dọa xáo trộn chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc đang thấm thía nỗi khổ thiếu hụt vaccine COVID-19 vì phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, trong khi làn sóng COVID-19 thứ tư đang bùng phát nghiêm trọng tại nước này.

Tính đến ngày 8/8, Hàn Quốc đã tiêm chủng ít nhất một liều cho 45% trên tổng dân số 52 triệu người. Tỉ lệ tiêm đủ hai mũi chiếm khoảng 15% dân số, thấp hơn nhiều nước trong nhóm các quốc gia thu nhập cao.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), khoảng 14,4% người Hàn Quốc đã được tiêm phòng đầy đủ. Hàn Quốc đặt mục tiêu nâng con số lên 70%, tương đương khoảng 36 triệu người vào tháng 9.

Do nguồn cung vaccine COVID-19 thế giới liên tục đối diện nguy cơ biến động, KDCA tuyên bố kế hoạch đàm phán sớm những lô hàng cho năm 2022 trước nguy cơ xuất hiện làn sóng thu gom vaccine thứ hai của các nước phương Tây.

Với sự xuất hiện của biến chủng Delta, một số nước giàu đã khởi động kế hoạch tiêm mũi thứ 3 cho người dân, kéo theo sức ép lên dây chuyền sản xuất ở châu Âu và Mỹ.

Các hãng dược Pfizer và Moderna cũng vừa nâng giá sản phẩm. Trong khi đó, nhà sản xuất vaccine và biệt dược lớn nhất thế giới Ấn Độ vẫn đang tập trung cho thị trường nội địa vì diễn biến dịch phức tạp của đại dịch.

Việc mất đi nguồn cung vaccine từ Ấn Độ đã đẩy hàng loạt khu vực trên thế giới vào cảnh "vỡ kế hoạch" chống dịch. Không ít quốc gia trong nhóm thu nhập vừa và thấp phụ thuộc vào nguồn cung vaccine giá thành hợp lý của cường quốc Nam Á này. Do đó, chỉ có tự phát triển và sản xuất vaccine COVID-19 nội địa mới có thể đảm bảo "tự chủ vaccine" quốc gia.

"Khi nào thế giới còn chưa đủ vaccine cho tất cả quốc gia, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn nCoV lây lan với những biến chủng mới liên tục xuất hiện. Hàn Quốc muốn tiên phong giải quyết vấn đề này bằng cách trở thành trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu", Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố.

Giáo sư danh dự Bệnh viện Nhi - Đại học Quốc gia Seoul Lee Hoanjong cũng lạc quan về triển vọng ngành vaccine trở thành động lực tăng trưởng mới cho Hàn Quốc. Ông lưu ý “xứ sở kim chi” đang giữ vị thế quốc gia sản xuất y sinh lớn thứ hai thế giới và có nhiều nhà sản xuất tầm cỡ như Samsung Biologics hay SK Bioscience.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm phòng thí nghiệm vaccine của SK Bioscience tại thành phố Andong vào tháng 1. Ảnh: The Wall Street Journal.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm phòng thí nghiệm vaccine của SK Bioscience tại thành phố Andong vào tháng 1. Ảnh: The Wall Street Journal.

Theo ông Lee Hoanjong, việc kết hợp hạ tầng sản xuất của Hàn Quốc với năng lực nghiên cứu - phát triển của Mỹ và châu Âu là một ý tưởng nhiều hứa hẹn.

Mong muốn xây dựng quan hệ đối tác vaccine với phương Tây cũng được Tổng thống Moon đề cập trong bài phát biểu tuần qua. Tuy nhiên, kế hoạch trở thành "cường quốc vaccine" của Hàn Quốc vẫn khó tránh khỏi những hoài nghi.

"Hàn Quốc có thể đóng vai trò cơ sở sản xuất cho những nhà phát triển vaccine, nhưng nước này khó lòng đấu với các công ty Mỹ và châu Âu ở mảng nghiên cứu và phát triển", Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Kim Woo-joo thuộc Bệnh viện Guro, Đại học Y Hàn Quốc, cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

Vì sao Singapore đạt tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 vào hàng cao nhất thế giới?