Thứ Tư | 04/06/2014 21:41

Thâm hụt thương mại tháng 4 của Mỹ tăng mạnh nhất 2 năm

Trong khi đó, báo cáo của ADP cho thấy, tháng 5, doanh nghiệp tuyển dụng ít hơn nhiều so với dự báo.
Ngày 4/6, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại của tháng 4 đã tăng 6,9% lên 47,2 tỷ USD do nhập khẩu tăng cao kỷ lục. Đây là mức thâm hụt lớn nhất kể từ tháng 4/2012. Đồng thời, Mỹ ghi nhận tháng thứ 2 liên tiếp có thâm hụt thương mại. Tháng 3, thâm hụt thương mại của Mỹ là 44,2 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại cùng kỳ, điều chỉnh theo lạm phát, tăng lên 53,8 tỷ USD so với mức 50,9 tỷ USD của tháng 3. Thâm hụt thương mại với Liên minh châu Âu ở mức lớn nhất, chủ yếu do thâm hụt với Đức.

Giá trị nhập khẩu tăng 1,2% lên mức cao chưa từng thấy là 240,6 tỷ USD trong tháng 4. Trong đó, nhập khẩu ôtô, hàng hóa vốn, lương thực và hàng hóa tiêu dùng đều tăng lên mức cao kỷ lục.

Nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng lập kỷ lục trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 16,3%, đẩy thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên 27,3 tỷ USD so với mức 20,4 tỷ USD của tháng 3.

Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của Mỹ giảm 0,2% xuống 193,3 tỷ USD.

Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, mặc dù kinh tế Mỹ có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng đã phục hồi trong quý này nhưng tăng trưởng GDP có thể sẽ không vượt mức 3,5%.

Trên thị trường việc làm, báo cáo quốc gia về việc làm của ADP cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân đã bổ sung 179.000 việc làm trong tháng 5. Con số này thấp hơn nhiều so với số liệu của tháng 4 là 215.000 việc làm và dự báo của các chuyên gia kinh tế là 210.000 việc làm.

Báo cáo của ADP được công bố trước khi chính phủ đưa ra báo cáo việc làm toàn diện vào ngày 6/6.

Ngoài ra, Bộ Lao động cũng cho biết, năng suất của lĩnh vực phi nông nghiệp trong quý I/2014 giảm mạnh nhất trong 6 năm do thời tiết mùa đông khắc nghiệt dẫn tới chi phí sản xuất liên quan đến nguồn lao động tăng vọt.

Chính phủ hiệu chỉnh lại số liệu về năng suất. Theo đó, năng suất giảm ở tốc độ năm là 3,2% - mức giảm lớn nhất kể từ quý I/2008. Người lao động phải làm thêm giờ trong quý I nhưng sản lượng sản xuất lại giảm, khiến chi phí lao động tăng lên. Chi phí lao động trên một đơn vị sản lượng tăng 5,7% - mức tăng lớn nhất kể từ quý IV/2012.

Nguồn Theo DVO/ Reuters


Sự kiện