Một công nhân mặc đồ bảo hộ khóa rào chắn bên ngoài khu dân cư phức hợp ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Thảm họa sức khỏe tinh thần đến từ lệnh giãn cách do COVID-19 gây ra
Đối với cô Mel Li, một người có niềm đam mê làm bánh, việc tiếp tục đóng cửa ở Thượng Hải đã biến cuộc chiến với bệnh trầm cảm trở thành thảm họa sức khỏe tinh thần.
“Ngay cả khi bạn là một người có tinh thần khỏe mạnh, thì cũng phải trải qua tình cảnh tồi tệ như bây giờ, huống chi là những người như tôi. Mỗi ngày là một cuộc đấu tranh.” cô nói.
Cô Li, người sống một mình, đã bị mắc kẹt tại nhà của mình trong hai tháng vì lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất tại Thượng Hải, kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020. Việc phong tỏa vẫn chưa có hồi kết, và nhiều nơi ở Thượng Hải vẫn chưa dỡ bỏ lệnh vì hàng nghìn ca bệnh mới vẫn được báo cáo mỗi ngày. Đối với cô Li, các quy định giãn cách đồng nghĩa với việc chiếc “phao cứu sinh” dành cho chứng trầm cảm trầm trọng của cô đang tuột khỏi tầm tay.
“Tôi bị trầm cảm nặng… và tôi phải kiểm soát ý nghĩ tự tử hai hoặc ba lần mỗi năm, nó đã trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch.” cô nói.
Một con đường vắng bóng người ở trung tâm thành phố Thượng Hải, cho thấy lệnh phong tỏa của thành phố đã trở nên căng thẳng như thế nào. Ảnh: Getting Images. |
Cô Li từng thường xuyên đến gặp bác sĩ tâm thần trong nhiều năm và đã dùng thuốc để giúp điều chỉnh sự mất cân bằng hóa học gây ra bệnh. Trước đại dịch, cô vẫn có thể kiểm soát căn bệnh của mình. Bây giờ, do các quy tắc nghiêm ngặt vì COVID-19, cô không thể đến gặp bác sĩ và đã dùng hết thuốc vào đầu tháng Tư.
“Tôi đã từng mua thuốc trực tuyến rất dễ dàng. Tuy nhiên, vào khoảng đầu tháng 4, tôi bắt đầu hết thuốc và không biết làm cách nào để uống đủ liều theo toa được kê.” cô nói.
Một tình nguyện viên cộng đồng đã mua được một tháng thuốc cho cô, nhưng rồi lại sắp hết. Cô Li nói rằng mình được phép rời khỏi nhà để mua thuốc, nhưng bệnh viện cách đó đến 40 phút lái xe, mà cô thì không có ô tô, còn giao thông công cộng thì đã ngưng hoạt động, cô không biết làm thế nào để đến đó.
Khi phải sống trong bối cảnh đầy thử thách như vậy, cô Li đã chuyển sang làm bánh để đánh lạc hướng bản thân, đồng thời tránh đọc những tin tức tiêu cực càng nhiều càng tốt.
Rất nhiều người dân Thượng Hải ngoài kia phải trải qua cơn ác mộng giống như cô Li, những người mà cuộc sống của họ đã rơi vào bế tắc không bao giờ có hồi kết, khiến cả thành phố bỗng nhiên phải chịu tổn thất về tinh thần rất lớn.
Phần lớn dân số Thượng Hải đã không thể rời khỏi nhà của họ trong sáu tuần. Ảnh: Reuters. |
Theo Data-Humanism (tài khoản WeChat chuyên về khảo sát và nghiên cứu), một cuộc khảo sát trên 1.000 cư dân Thượng Hải vào giữa tháng 4 cho thấy rằng 40% số người được hỏi đang trên bờ vực trầm cảm do phong tỏa. Hầu hết số người được khảo sát đã ở nhà hai tuần tính đến thời điểm thực hiện khảo sát. Tính đến hiện tại, hầu hết mọi người trong thành phố đã bị mắc kẹt ở nhà trong sáu tuần. Công ty cho biết số lượt tìm kiếm cụm từ “tư vấn tâm lý” trên Baidu đã tăng hơn 250% trong tháng trước, so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng trước, chính quyền Thượng Hải xác nhận cái chết của anh Qian Wenxiong, một cán bộ đang chịu áp lực rất lớn trong việc quản lý ổ dịch COVID-19, và cảnh sát không phủ nhận sự thật rằng anh ta đã tự sát.
Cô Ji Longmei, một nhà tư vấn tâm lý cấp cao tại Trung tâm Tư vấn Sức khỏe Tinh thần Thượng Hải, cho biết một số khách hàng cũ của cô, những người dường như đã kiểm soát được các vấn đề sức khỏe tinh thần, đã bắt đầu trị liệu trực tuyến trở lại sau khi có lệnh phong tỏa.
“Tôi nghĩ rằng số người thực tế cần giúp đỡ cao hơn nhiều so với những người đã liên hệ. Nói chung, người Trung Quốc vẫn còn miễn cưỡng yêu cầu giúp đỡ về các vấn đề sức khỏe tinh thần.” cô nói.
Trường hợp của cô Tong Weijing, một phóng viên 30 tuổi của tờ Wenhui Daily, người đã tự sát vào ngày 04/05, nêu bật những vấn đề nghiêm trọng ít được chú ý, thách thức sức khỏe tinh thần do COVID-19 gây ra . Nguyên nhân chính thức khiến cô tử vong được cho là do một cơn đau tim, nhưng nhiều nguồn tin khẳng định đây có thể là một vụ tự tử.
Mẹ của cô Tong nói với một nguồn tin giấu tên rằng con gái bà đã có những hành vi bất thường trong vài ngày trước khi chết, bao gồm cả việc không thể ngủ và lẩm bẩm một mình.
Cô Ji, nhà tâm lý học, nói rằng, dựa trên mô tả của người mẹ, cái chết của cô Tong nên được cho là do "trầm cảm do căng thẳng". Cô Ji nói: “Việc họ thông báo cô ấy chết vì bệnh tim cho thấy mọi người vẫn còn cảm thấy xấu hổ về các vấn đề sức khỏe tinh thần."
Các vấn đề sức khỏe tinh thần do đại dịch gây ra đã trở thành một thảm họa trên toàn thế giới. |
Theo tạp chí y khoa The Lancet, số ca trầm cảm nặng đã tăng lên 53 triệu người vào năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch. Theo số liệu từ 204 quốc gia và vùng lãnh thổ mà các nhà khoa học đã phân tích, có thêm 76 triệu người phát triển chứng lo âu trong năm đó.
Đối với cô Li, người phụ nữ mắc kẹt trong vụ đóng cửa ở Thượng Hải, đại dịch đã làm ảnh hưởng đến khả năng làm việc của cô và cô bắt đầu lo lắng về tài chính của mình.
“Hiện tại, cuộc sống của tôi chỉ là để tồn tại; đảm bảo rằng tôi vẫn sống về tinh thần, thể chất và tài chính. Lệnh phong tỏa đã lấy đi thuốc men và vòng tròn hỗ trợ của tôi; bao gồm gia đình, bạn bè và công việc.”, cô nói.
Có thể bạn quan tâm:
Giấc mơ tiền điện tử có đang lụi tàn quá nhanh chóng?
Nguồn SCMP