Thái Lan vẫn chưa tìm ra các giải quyết bế tắc chính trị
Những người biểu tình đã trao hoa cho các công chức để tiếp thêm sức mạnh tinh thần và hối thúc họ cùng tham gia biểu tình lật đổ "chế độ Thaksin." Nhóm thứ ba tuần hành tới Cơ quan cảnh sát quốc gia do những người trong Nhóm quân đội nhân dân lật đổ chế độ Thaksin dẫn đầu. Tại đây, những người biểu tình phải đối mặt với hàng rào thép gai mà cảnh sát rải trước cổng ra vào nhằm ngăn chặn họ xâm nhập khuôn viên.
Cảnh sát có khuyến cáo rằng bất cứ người biểu tình nào xâm nhập cơ quan này đều sẽ phải đối mặt với pháp luật. Tòa nhà cảnh sát quốc gia cũng đã bị cắt điện và nước hòng ngăn chặn các quan chức cảnh sát làm việc. Những người biểu tình kêu gọi xóa bỏ Cục điều tra đặc biệt (DSI) để thành lập Cụu điều tra vương quốc Thái Lan (KBI) hoạt động theo kiểu FBI của Mỹ để có thể điều tra và đưa xét xử được cả Thủ tướng.
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban vẫn đóng chốt cùng số đông người biểu tình tại khu liên hợp trụ sở cơ qua nhà nước ở phía Bắc Bangkok. Ông này khẳng định trước người biểu tình rằng kể cả khi chính phủ từ chức và giải tán quốc hội cũng không thể giải quyết được các vấn đề chính trị hiện nay và không loại bỏ được hệ thống bầu cử gian lận.
Theo ông này, việc những người biểu tình đông loạt bày tỏ sự đồng tình chiếm trụ sở cơ quan chính quyền ở thủ đô và nhiều tỉnh thành là sự thể hiện việc họ đã sẵn sàng tham gia loại bỏ hoàn toàn chế độ Thaksin, nơi đang làm hại đất nước bằng những chính sách dân túy.
Ông Suthep tuyên bố không đối thoại với chính phủ và nếu thời hạn lật đổ chính quyền do ông đặt ra vào cuối tháng này chưa thành công thì các cuộc biểu tình sẽ vấn tiếp tục bởi công chức và viên chức nhà nước đã bắt đầu vẫy cờ ủng hộ người biểu tình về mặt tinh thần.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra, sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, đã kêu gọi người biểu tình dừng các hành động chiếm trụ sở cơ quan chính quyền, đồng thời khẳng định chính phủ sẵn sàng đối thoại với các thủ lĩnh biểu tình để tìm ra giải pháp cho đất nước và chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Bà Yingluck đã loại bỏ kiến nghị của người biểu tình đòi thành lập một hội đồng nhân dân như là một giải pháp cuối cùng cho những bất ổn chính trị lâu nay bởi điều này là vi hiến.
Bà Thủ tướng nói rằng chính phủ sẵn sàng lắng nghe những yêu cầu của các nhóm biểu tình đang có những hành động chiếm trụ sở cơ quan nhà nước, nhưng yêu cầu thành lập một hội đồng nhân dân là hoàn toàn không hợp hiến.
Tình hình chính trị Thái Lan hiện đang ngày càng trở nên bế tắc khi cả chính quyền lẫn người biểu tình liên tục cáo buộc nhau vi phạm luật pháp. Chính phủ cho rằng việc chiếm giữ trụ sở cơ quan chính quyền là phạm pháp trong khi người biểu tình nói rằng chính phủ hiện nay cũng không còn tính hợp pháp bởi họ đã bác bỏ quyết định của tòa án.
Một số học giả đã lên tiếng gợi ý rằng Thủ tướng nên từ chức hoặc giải tán quốc hội để giải quyết bế tắc. Những người này cũng cho rằng nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp để người dân có thể lựa chọn liệu có nên thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp để để viết lại bản hiến pháp mới hay không.
Thủ lĩnh đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva cho rằng chính phủ đã mất tính hợp pháp và cần phải chịu trách nhiệm về việc này. Bà Yingluck và chính phủ của bà ta đã trở thành trung tâm của những tranh cãi, do vậy, bà ta không có quyền tổ chức một cuộc thương lượng hòa bình. Thủ tướng cần phải lui lại trước, mở đường cho xã hội có thể tìm ra một giải pháp.
Theo ông Abhisit, đảng Dân chủ không phải chịu trách nhiệm về tình trạng hiện nay bởi họ đã cố gắng đấu tranh thông qua các thủ tục bình thường ở nghị viện. Tuy nhiên, ông này lại không nói rõ lập trường của đảng Dân chủ về việc những người biểu tình không chấp nhận giải tán quốc hội hay thủ tướng từ chức hoặc thậm chí là việc thành lập hội đồng nhân dân./.
Nguồn Vietnamplus