Thái Lan trước vòng xoáy nợ và giảm phát
Chìm trong món nợ khổng lồ phải trả, Non, một công nhân nhà máy 37 tuổi sống ở ngoại ô Bangkok, cho biết anh chẳng mừng rỡ gì khi đến ngày nhận lương, vì nó chỉ là nhắc nhở đến tình hình tài chính eo hẹp của anh mà thôi. “Các khoản chi còn cao hơn cả thu nhập. Mỗi tháng 30-40% lương của tôi chỉ mỗi dùng để trả lãi vay”, Non nói.
Năm 2011, khu vực Non ở bị những trận lụt lớn khiến cho đồ đạc hư hao, mất mát. Non phải đi vay để sắm sửa lại vật dụng thiết yếu, một phần là vay ngân hàng, nhưng chủ yếu đi vay tín dụng đen với mức lãi suất từ 10-20%.
Anh chỉ đủ tiền để xoay xở trả nợ thì nhà máy lốp xe nơi anh làm việc lại cắt giờ làm do nền kinh tế suy giảm. Giờ anh cần phải kiếm được 20.000 baht (612 USD) mỗi tháng để trang trải chi phí nhưng mức lương của anh chỉ 14.000 baht. Và nợ cứ thế tiếp tục tăng lên.
Non chỉ là một trong số những người dân đang nặng nợ ở Thái Lan, vốn thuộc vào hàng đi vay nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Cơn sốt đi vay này được thúc đẩy bởi các chính sách của chính phủ thời trước cũng như các mức lãi suất ngân hàng thấp. Một lý do khác là mức lương bèo bọt khiến cho những người nghèo phải tìm đến kênh cho vay nặng lãi.
“Những người Thái thuộc tầng lớp lao động như công nhân, người bán rong, đang rất chật vật kiếm tiền và thu nhập của họ không còn đủ để trang trải chi phí”, Giáo sư Kinh tế học Narong Petprasert của Đại học Bangkok nhận xét.
Mức nợ đáng báo động đến nỗi Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Sommai Phasee dự đoán “nỗi đau đầu này có thể kéo dài trong vài năm”. Ông Sommai cũng cho biết nợ hộ gia đình nước này đã vượt hơn 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đưa Thái Lan vào hàng ngũ các nước nặng nợ nhất khu vực.
Số nợ công cũng như tỷ lệ nợ trên GDP của Thái Lan đã đều đặn gia tăng từ năm 2003 tới nay |
Đáng lo ngại hơn là tỉ lệ nợ hộ gia đình Thái so với thu nhập đã tăng rất nhanh kể từ năm 2007. Trong khi nhiều quốc gia khác do bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính ở phương Tây hoặc đã cắt giảm tỉ lệ này hoặc hạn chế mức tăng trưởng nợ, nhưng tỉ lệ nợ hộ gia đình/thu nhập tại Thái lại tăng hơn 25 điểm phần trăm.
Các chuyên gia cho rằng tốc độ gia tăng nợ đã tác động tiêu cực đến tình hình tiêu dùng trong nước. “Nợ hộ gia đình Thái đang là một vấn đề lớn hơn so với nhiều nền kinh tế khác, do mức thu nhập bình quân đầu người thấp và cũng bởi một sự thật rằng nợ đã gia tăng trong một khoảng thời gian quá ngắn”, Rahul Bajoria, chuyên gia kinh tế khu vực tại Singapore thuộc Barclays, nhận xét. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha gần đây tỏ ra lo ngại việc nợ tăng lên “có thể làm chậm đà phục hồi của đất nước”.
Một lý do quan trọng khiến nợ Thái Lan tăng mạnh là do các chính sách dưới thời của chính phủ tiền nhiệm như chính sách trợ cấp thu mua lúa gạo quá hào phóng, các khoản cho vay phát triển kinh doanh ở nông thôn và chính sách cắt giảm thuế đối với các khoản vay mua xe mới. Và dù Thái Lan đã tránh được cuộc suy thoái trong suốt các cuộc biểu tình phản đối chính quyền của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra (đã làm tê liệt chi tiêu chính phủ và hoạt động đầu tư và du lịch), nhưng nhiều tháng sau khi quân đội lên nắm quyền, dấu hiệu phục hồi kinh tế vẫn chưa rõ nét.
Theo Ủy ban Phát triển kinh tế - xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDB), nền kinh tế dự kiến tăng trưởng 3% trong quý I/2015. Một phần là nhờ du lịch có dấu hiệu hồi phục. Tổng thư ký Arkhom Termpitayapaisith của NESDB cho biết du lịch, vốn chiếm 10% GDP, sẽ là một động lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, với việc Bộ Du lịch và Thể thao báo cáo mức tăng 28% trong lượng du khách từ đầu năm cho đến ngày 15.4.
Thế nhưng, điểm sáng này chưa đủ để vực dậy bức tranh ảm đạm của nền kinh tế. Xuất khẩu, vốn chiếm khoảng 60% GDP, trong 2 tháng đầu năm nay đã giảm 4% do tình hình ảm đạm ở các thị trường nước ngoài ngoại trừ Mỹ. Quan trọng hơn là mức chi tiêu hộ gia đình vẫn ảm đạm do nợ tăng.
Mới đây, Giám đốc Trung tâm Dự báo kinh doanh và Kinh tế Thanawat Polwichai khuyến cáo Thái Lan đang đứng trước nguy cơ rơi vào giảm phát. Theo ông, giảm phát là kết quả của lạm phát âm trong ít nhất 6 tháng liên tiếp, trong khi Thái Lan cho đến nay đã chứng kiến lạm phát âm trong 3 tháng liên tiếp. Đáng lo là có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình lạm phát âm có thể sẽ kéo dài khi giá dầu dự kiến tiếp tục giảm trong quý II năm nay.
Điều này càng gay go khi nhiều người dân Thái đang đau đầu vì lương không đủ sống và nợ gia tăng. Đó là lý do ông Polwichai khuyến cáo Chính phủ nên nhanh chóng hành động để khôi phục niềm tin tiêu dùng. Nếu không sẽ khó tránh được suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan đang không còn nhiều “khoảng thở” về chính sách. “Nợ hộ gia đình tăng mạnh khiến cho Ngân hàng Trung ương Thái Lan khó có thể kích thích tiêu dùng bằng cách hạ lãi suất khi người dân không còn lòng dạ nào mà đi vay mới”, ông Bajoria, Barclays, nhận xét.
Đồng quan điểm, Frederic Neumann, trưởng chuyên gia kinh tế về châu Á tại Ngân hàng HSBC, cho rằng mức nợ hộ gia đình tăng lên có nghĩa là “Thái Lan cần phải tìm các động lực thúc đẩy tăng trưởng khác” trong khi việc cho phép nợ tăng thêm “mà không có biện pháp kiểm soát thận trọng và đúng đắn sẽ đe dọa tính ổn định về tài chính”.
Trong bối cảnh này, theo ông Polwichai, tăng chi tiêu chính phủ thông qua việc đầu tư vào các dự án lớn khắp cả nước để kích thích thị trường lao động và chi tiêu có lẽ là cách tốt nhất để bơm tiền vào nền kinh tế.
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư