Thứ Hai | 30/07/2012 21:48

Thái Lan chuẩn bị ứng phó khủng hoảng eurozone

Chính phủ Thái Lan đang chuẩn bị các biện pháp nhằm đối phó và giảm thiểu những tác động từ cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro.
Các biện pháp này đã được Thủ tướng Yingluck Shinawatra cùng các bộ trưởng liên quan tới các vấn đề kinh tế thảo luận trong tuần qua. Một trong những biện pháp kể trên là duy trì sự ổn định của đồng baht nhằm góp phần trợ giúp các nhà xuất khẩu và đảm bảo lạm phát cũng như giá cả hàng hóa sẽ không quá cao.

Theo phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính Kittiratt Na-Ranong, hiện tại tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định và sẽ không phải là nhân tố dẫn tới sức ép lạm phát. Thị trường vốn của Thái Lan cũng đang được giữ ổn định. Mặc dù giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng, nhưng chính phủ đủ khả năng duy trì giá bán lẻ ổn định. Trong trường hợp cần thiết, có thể sử dụng nguồn tiền từ Quỹ dầu mỏ để duy trì giá bán trong nước.

Ngoài việc thúc đẩy chi tiêu trong khu vực công, ông Kittiratt còn cho biết chính phủ đã chỉ thị cho các cơ quan hữu quan tìm kiếm thêm các thị trường xuất khẩu mới như ASEAN, Trung Đông và Đông Á để thay thế thị trường châu Âu.

Ông này cho rằng tỷ lệ thất nghiệp tại Thái Lan hiện vẫn thấp. Tuy nhiên, vấn đề tay nghề hay kỹ năng lao động cần phải được củng cố nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Trong vấn đề này, các bộ lao động, công nghiệp và giáo dục đã được chỉ thị tăng cường phát triển kỹ năng bằng việc tập huấn cho người lao động.

Để cải thiện khu vực du lịch nhằm tăng thu nhập trong nước, ông Kittiratt nói rằng sân bay Don Muang sẽ được chính thức mở lại vào 1/8 tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại và giảm tải cho sân bây Suvarnabhumi.

Gần đây, nội các Thái Lan đã quyết định, sân bay Suvarnabhumi sẽ là sân bay trung tâm để phục vụ các chuyến bay chuyển tiếp và dịch vụ đầy đủ, trong khi Don Muang sẽ chuyên dành cho các hãng hàng không giá rẻ hoạt động.

Một biện pháp nữa giúp Thái Lan đối phó với cuộc khủng hoảng eurozone là việc chính phủ sẽ trợ giúp ba nhóm ngành hàng để tránh khỏi bị tác động xấu. Các nhóm này, chủ yếu được xuất khẩu sang châu Âu gồm dệt may, trang sức và đá quý và đồ điện tử. Các cơ sở tài chính thuộc bộ tài chính sẽ được yêu cầu trợ giúp về tín dụng hoặc nới rộng việc cho vay nhằm hỗ trợ việc xuất khẩu sang các nước châu Âu.

Ngân hàng xuất nhập khẩu Thái Lan cũng đã chuẩn bị 100 tỷ baht trong tín dụng để phục vụ các doanh nghiệp và 40 tỷ baht khác trong tín dụng bảo đảm để phục vụ xuất khẩu. Các quỹ này sẽ góp phần giúp quản lý rủi ro trong việc xuất khẩu sang châu Âu.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện