Thái Lan cân nhắc tham gia Hiệp định CPTPP
→Canada vẫn là trở ngại chính của CPTPP
"Đây là một trong những vấn đề nóng đang được tranh luận trong Chính phủ lúc này. Chính phủ muốn ký nhưng có một số người phản đối" - ông Somchai Swangkarn, phát ngôn viên của Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA), cho biết.
Cũng theo ông Swangkarn, trước đó Thái Lan từng có ý định vào CPTPP nhưng cuối cùng từ bỏ khi Mỹ rút lui.
Ngoài Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan cũng bày tỏ sự quan tâm đến Hiệp định. Để tham gia, các bên phải đạt được thỏa thuận riêng với mỗi nước thành viên. Theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, một thỏa thuận thương mại với 5 thành viên tiềm năng này sẽ tạo ra thu nhập 449 tỷ USD trên toàn cầu và 486 tỷ USD cho 11 nước CPTPP hiện nay.
Tưởng chừng thất bại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định, nhưng với nỗ lực của 11 nước đàm phán còn lại, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP đã trở lại với tên gọi mới - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương CPTPP - với quy mô nhỏ hơn, nhưng vẫn đầy triển vọng.
Ngày 23/1 vừa qua là cột mốc đáng nhớ, khi các bên chấp nhận tạm đóng băng 22 điều khoản tranh chấp để đi đến một dự thảo cuối cùng, dọn đường cho việc ký kết CPTPP vào ngày 8/3. Động thái này đã nhận được sự hoan nghênh của hàng loạt nền kinh tế hàng đầu tham gia đàm phán Hiệp định.
Từ Hội nghị Davos, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định Canada cởi mở với mọi hiệp định có lợi cho Canada, dù nước này vẫn đang bận rộn trong cuộc đàm phán lại hiệp định NAFTA với Mỹ.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã gọi đây là một "thành tích vĩ đại", cũng như bày tỏ tham vọng sẽ có thêm những quốc gia khác tham gia vào hiệp định này, bao gồm cả sự quay trở lại của Mỹ.
Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Thương mại New Zealand đánh giá CPTPP ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước tham gia bởi mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ hiện nay.