Tesla chật vật
Thậm chí Musk còn đăng kèm theo một bức ảnh ông đang say khướt và chán đời để làm bằng chứng. Thực ra, đó chỉ là một trò đùa dai của ông vào ngày Cá Tháng Tư, nhưng trò đùa đó đã phản pháo. Bởi lẽ nói là đùa nhưng gần như không khác sự thật là mấy. Thực tế là nhà sản xuất xe điện hàng đầu của Mỹ đang gặp áp lực rất lớn. Musk đang chật vật đối phó trên nhiều mặt trận, cho thấy ông đang đứng trước một mối đe dọa rất lớn: sự eo hẹp về tài chính có thể đẩy Tesla đến bờ vực thẳm.
Thậm chí cổ đông của Tesla, vốn dĩ hiếm khi nào dao động trước các thông tin tiêu cực, cũng đứng ngồi không yên. Giá cổ phiếu Tesla đã giảm hơn 14% kể từ cuối tháng 2 vừa qua, giảm mạnh nhất sau khi một chiếc Tesla sử dụng phần mềm Autopilot của Hãng đã tông vào thanh chắn bên đường tại bang California, Mỹ vào ngày 23.3 vừa qua, khiến tài xế tử vong. Điều đó càng dấy lên câu hỏi về mức độ an toàn của hệ thống lái xe bán tự động của hãng này.
Tin xấu tiếp tục xảy đến vào ngày 28.3 khi một tòa án ở Delaware quyết định “bật đèn xanh” cho một vụ kiện cổ đông, theo đó cáo buộc Musk và Hội đồng Quản trị Tesla đã thiếu trách nhiệm trong thương vụ Tesla thâu tóm SolarCity với giá 2,6 tỉ USD vào năm 2016, một hãng năng lượng mặt trời gặp khó khăn do các anh em họ của Musk điều hành.
Tiếp đến vào ngày 29.3, Tesla tuyên bố thu hồi khoảng 123.000 mẫu xe cũ hơn do bu-lông tay lái trợ lực bị ăn mòn quá mức có thể ảnh hưởng đến việc lái và đậu xe. Những vụ thu hồi như vậy là thường thấy ở các hãng xe ô tô khác trên thế giới. Nhưng trong trường hợp của Tesla, nó củng cố một quan điểm cho rằng hãng xe này làm tốt hơn nhiều ở vai trò phát triển công nghệ hay ho phô diễn cho các mẫu xe của Hãng, hơn là giỏi ở việc sản xuất xe số lượng lớn.
Mãi cho đến gần đây, Tesla đã sản xuất ra chỉ một số lượng nhỏ các dòng xe chạy pin đường dài đắt tiền. Mẫu xe Model S có giá khởi điểm 74.500USD và mẫu xe thể thao Model X thì đắt đỏ hơn. Mẫu xe mới Model 3, một chiếc sedan nhỏ hơn có giá 35.000USD với quãng đường chạy 1 lần sạc hơn 220 dặm, đã được đón nhận nồng nhiệt khi có tới hơn 400.000 khách hàng đặt mua (mỗi khách hàng đặt cọc 1.000USD). Phần lớn tổng doanh thu tương lai dự kiến của Tesla và mức vốn hóa thị trường cao của Hãng (hiện vào khoảng 46 tỉ USD, thậm chí sau khi giá cổ phiếu giảm) phụ thuộc vào việc Tesla có đẩy nhanh được tốc độ sản xuất hay không.
Thật không may, Tesla cứ liên tục lỗi hẹn. Tháng 7.2017, Musk cho biết Tesla sẽ sản xuất 20.000 chiếc Model 3 mỗi tháng vào tháng 12 cùng năm. Nhưng thực tế, Tesla chỉ xoay xở cho ra đời chưa tới 2.500 chiếc trong quý cuối cùng của năm 2017. Ông cũng đã cam kết sẽ làm ra 2.500 chiếc Model 3 mỗi tuần vào cuối tháng 3 năm nay, tăng lên tới 5.000 chiếc mỗi tuần vào cuối tháng 6 này.
Thế nhưng, mặc cho nỗ lực rất lớn của các công nhân và các nhà điều hành (đích thân Musk giám sát quá trình sản xuất mẫu xe Model 3 và còn cho biết ông thậm chí ăn ngủ tại nhà máy), nhưng vào ngày 3.4 vừa qua, Tesla xác nhận đang sản xuất chỉ khoảng 2.000 chiếc Model 3 mỗi tuần.
Như vậy, một lần nữa Tesla lại không hoàn thành chỉ tiêu sản xuất đặt ra. Dù vậy, Công ty vẫn tuyên bố dây chuyền sản xuất Model 3 “đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với bất kỳ hãng xe nào trong thời đại này”. Nếu cứ tiếp tục duy trì tốc độ sản xuất này, Công ty cho rằng “thậm chí sẽ qua mặt cả tốc độ sản xuất của Ford và mẫu Model T”.
Dù như thế nào, không thể chối bỏ một sự thật rằng Tesla đang chật vật với tình trạng nút thắt cổ chai trong quá trình sản xuất pin tại siêu nhà máy của mình ở Nevada cũng như việc lắp ráp chiếc Model 3 tại nhà máy ô tô ở Fremont, bang California.
Vấn đề chính nằm ở chỗ Musk đã làm phức tạp hơn một công việc vốn dĩ đã rất phức tạp là sản xuất xe điện cho thị trường đại chúng. Thay vì dựa vào các phương pháp sản xuất đã được chứng thực qua thời gian bởi các đối thủ lâu năm, tức vẫn sử dụng con người để làm các công việc mà không thích hợp giao cho máy tính xử lý, thì Musk lại muốn nhà máy ô tô của mình phải là một nhà máy có tính tự động hóa cao; nơi đó “máy móc làm ra máy móc”, với những chú robot làm việc không ngơi tay và hạn chế tối thiểu sự can thiệp của con người.
Một số nhân viên tại nhà máy Fremont cho rằng lý tưởng của Thung lũng Silicon về thời đại cải tiến và tự động hóa robot đang “xung đột” mạnh mẽ với hiện thực không mấy đẹp đẽ của ngành sản xuất ô tô, từ việc điều khiển xe nâng trong nhà máy một cách an toàn cho đến việc lắp đặt một cách khéo léo các linh kiện, phụ tùng bằng nhựa trong nội thất ô tô. Theo Max Warbuton thuộc hãng nghiên cứu Bernstein, qua những trải nghiệm cay đắng sau nỗ lực quá sốt sắng chạy theo tự động hóa trước đó, các hãng ô tô lớn trên thế giới đã nhận ra một sự thật rằng sự kết hợp giữa con người và máy móc mới cho ra đời dây chuyền lắp ráp ô tô hiệu quả nhất, ít nhất là trong lúc này.
Cho dù giấc mơ biến nhà máy trở thành một công xưởng sản xuất tự động của Musk có chỉ ra một phương thức sản xuất ô tô tốt hơn đi nữa, thì ông có thể đã hết tiền trước khi chứng minh được rằng mình không sai. Tesla đã lỗ hơn 2 tỉ USD trong năm 2017, trong khi các nhà đầu tư lại tỏ ra lo lắng về tốc độ “đốt tiền” của Tesla trong năm 2018. Ngoài số tiền 2 tỉ USD có thể cần đến để mở rộng sản xuất mẫu Model 3, Tesla có khoảng 1,2 tỉ USD nợ chuyển đổi sẽ đáo hạn vào đầu năm tới. Vào ngày 27.3, Moody’s đã hạ bậc nợ Tesla, khuyến cáo Công ty “có khả năng phải tăng thêm vốn trong 6 tháng cuối năm 2019”. Jefferies cũng dự đoán Tesla sẽ cần thêm 2,5-3 tỉ USD trong năm nay.
Tesla tuyên bố trước mắt Công ty chưa cần gọi thêm vốn. Trong một báo cáo được công bố vào đầu tháng 4, Tesla cho biết: “Công ty không cần phải tăng vốn chủ sở hữu hay phát hành nợ trong năm nay, ngoại trừ các hạn mức vay chuẩn”. Những người khác thì cho rằng “phút nói thật” có thể đến sớm hơn, có lẽ vào mùa hè năm nay. Nếu đến lúc Tesla buộc phải tăng vốn thì câu hỏi đặt ra là Công ty sẽ gọi vốn trong điều kiện thị trường như thế nào. Hiện tại, lãi suất đang tăng lên, giá cổ phiếu vẫn xập xình, trong khi Tesla cứ mãi lỗi hẹn trong việc đạt các mục tiêu sản xuất đề ra. Tất cả những điều này có thể sẽ khiến cho Tesla chật vật hơn trong việc tìm vốn. Đó là chưa nói đến một thực tế là General Motors, Volkswagen và các đối thủ lớn khác đang đầu tư rất lớn vào xe hơi chạy điện.
Dẫu vậy, không ít cổ đông vẫn đặt niềm tin vào năng lực của Musk, một người hay đi ngược lại lẽ thường với sự thành công ở những ý tưởng khá “điên rồ” như khi ông cho ra đời hãng vận chuyển hàng hóa lên không gian SpaceX cách đây 16 năm. Thế nhưng, có thể mảng ô tô là một thách thức đối với ông. Mới đây, trong một dòng tweet, Musk đã thốt lên: “Làm ô tô quả là địa ngục”. Lần này ông không hề nói đùa tí nào