Tên lửa sắp phóng của Triều Tiên có thể bắn tới Mỹ
Theo báo cáo, tên lửa này của Triều Tiên là loại tên Eunha-3, có tầm bắn 10.000 km, đủ sức bắn tới thành phố Los Angeles tại bờ biển phía Tây nước Mỹ.
Một chuyên gia về tên lửa cho biết: "Tên lửa Eunha-3 từng được sử dụng trong lần phóng thất bại hồi tháng 4. Dù chỉ bay chưa đầy 130 giây, song tính toán cho thấy tên lửa này có phạm vi lên tới 10.000 km". So với tên lửa Eunha-2 được phóng trong năm 2009, với tầm bắn tối thiểu 6.700 km, phạm vi của Eunha-3 cho thấy công nghệ tên lửa của Triều Tiên đã có sự tiến bộ đáng kể, chuyên gia này cho biết.
"Tên lửa Eunha-2 năm 2009 chỉ có thể bắn tới Alaska, nhưng Eunha-3 lần này đủ sức vươn tới bờ biển phía Tây của nước Mỹ. Đây là chính là sự khác biệt lớn về mặt chiến lược", chuyên gia này nhận định.
Cùng chung với nhận định này, nhiều chuyên gia quân sự cũng cho biết Eunha-3 có gốc là tên lửa Nodong 2C, nhưng được cải thiện hơn rất nhiều.
Theo các thông tin tình báo từ chính phủ Hàn Quốc, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ cho bơm nhiên liệu vào tên lửa vào ngày 8 hoặc 9/12, và sẽ cho phóng tên lửa trong khoảng thời gian từ 10-22/12.
Với khả năng Triều Tiên sẽ cho phóng tên lửa sớm hơn dự kiến, Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang gấp rút chuẩn bị các bước nhằm đối phó với tên lửa Triều Tiên. Hôm 4/12, đặc phái viên Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình bán đảo Triều Tiên, ông Lim Sung-nam, đã có cuộc hội đàm khẩn cấp với đại sứ Mỹ về chính sách Triều Tiên, ông Glyn Davies, tại Lầu Năm Góc để bàn về các biện pháp đối phó với kế hoạch của Triều Tiên.
Kế hoạch phóng tên lửa lần này được cho là nhằm lấy lại uy tín cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un. |
Trong khi đó, Nhật Bản hôm nay 6/12 đã phái 3 tàu khu trục tới vùng biển mà tên lửa mang vệ tinh Triều Tiên sẽ đi qua. Truyền thông Nhật Bản cho biết 3 tàu khu trục Aegis được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 đã rời căn cứ ở Sasebo, cách tây Tokyo khoảng 900km. Điểm đến của những tàu này được cho là biển Hoa Đông và biển Nhật Bản.
Một tàu hải quân mang tên lửa đạn đạo PAC-3 (Patriot Advanced Capability) đã đến đảo Miyakojima thuộc Okinawa vào sáng nay.
Một điều khiến nhiều người khó hiểu là vì sao Triều Tiên lại tuyên bố thực hiện kế hoạch phóng vệ tinh vào thời điểm này.
Theo các chuyên gia phân tích, tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra đúng vào thời điểm chuyển giao quyền lực ở 4 trong 6 nước tham gia vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong số các nước này, có một số nước vừa trải qua hoặc sắp trải qua quá trình chuyển đổi quyền lực.
Điển hình trong số này là Trung Quốc vừa mới hoàn thành việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới 10 năm. Trong khi đó, tại Mỹ, tổng thống Mỹ Barack Obama đang chuẩn bị bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình. Còn tại Nhật Bản, chính quyền Tokyo cũng chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 16/12 tới, trong khi cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc dự kiến sẽ diễn ra sau đó 3 ngày.
Kế hoạch phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng cũng được giới phân tích nhận định là nhằm gây ảnh hưởng chính trị đặc biệt lớn đối với Hàn Quốc, bởi lẽ cả hai ứng cử viên hàng đầu cho chức Tổng thống đều phát tín hiệu về sự cần thiết phải tác động mạnh mẽ hơn với Bình Nhưỡng.
Ngoài ra kế hoạch phóng tên lửa lần này cũng được là dịp để lấy lại hình ảnh cho đại tướng Kim Jong-un sau lần phóng tên lửa thất bại hồi tháng 4, và cũng là sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành - người sáng lập đất nước Triều Tiên.