Tây Ban Nha sẽ trở thành tâm điểm phố Wall tuần này
Ngoài Tây Ban Nha, chính sách tiền tệ các nước trong tuần này cũng được coi là chất xúc tác có khả năng gây ảnh hưởng lớn tới phố Wall. Tuần này, có hai sự kiện quan trọng với thị trường chứng khoán Mỹ là bài phát biểu của chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke vào ngày 1/10, và biên bản cuộc họp của Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC). Ngoài ra, một loạt chương trình nghị sự trong tuần này như cuộc họp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Anh và Ngân hàng Nhật Bản cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới tình hình các cổ phiếu trên phố Wall.
Giám đốc danh mục đầu tư chiến lược tại Wells Fargo Funds Management, ông Brian Jacobsen, nhận định: "Tôi cho rằng phố Wall có thể sẽ phục hồi trong tuần tới nếu một loạt sự kiện tiến triển theo chiều hướng có lợi như Tây Ban Nha yêu cầu cứu trợ tài chính, ECB công bố các điều khoản thuận lợi cho gói cứu trợ đó và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tuyên bố can thiệp hơn nữa vào thị trường tiền tệ".
Ông Jacobsen cho rằng nếu Tây Ban Nha và ECB không đạt được tiếng nói chung, phố Wall vẫn có thể tăng nhờ vào một loạt các động thái khác trên thị trường. Tuy nhiên, một sự đi xuống là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu chính phủ của thủ tướng Mariano Rajoy phủ nhận rằng Tây Ban Nha cần đến gói cứu trợ.
Tuần này, các dữ liệu về tình hình sản xuất cũng như điều kiện kinh doanh ở Trung Quốc cũng sẽ có tác động không nhỏ lên thị trường toàn cầu. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia phân tích, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất, dự kiến công bố hôm 1/10, của Trung Quốc sẽ tiếp tục thu hẹp tháng thứ 2 liên tiếp.
Cùng ngày, Viện quản lý chuỗi cung Mỹ (ISM) dự kiến sẽ công bố các chỉ số về hoạt động sản xuất Mỹ trong tháng 9. Dự kiến, chỉ số PMI sản xuất của Mỹ trong tháng 9 sẽ tiếp tục thu hẹp, nhưng với tốc độ chậm hơn tháng 8. PMI dịch vụ của Mỹ trong tháng 9 cũng dự kiến sẽ tăng chậm lại so với tháng trước đó.
Trong tuần này, một chỉ số khác cũng không kém phần quan trọng với thị trường đó là tỷ lệ thất nghiệp Mỹ. Các nhà kinh tế dự báo, thất nghiệp Mỹ sẽ tăng thêm 0,1% lên 8,2% trong tháng 9.
Trong quý III năm nay, chỉ số S&P 500 nhìn chung đã tiến triển theo xu hướng khá tích cực, bất chấp sự suy giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2012 trong 4 ngày giao dịch cuối cùng, kết thúc vào ngày 28/9. Trong 3 tháng qua, chỉ số S&P 500 đã tăng 5,9% và giảm 1,3% trong 4 phiên giao dịch cuối. Đây cũng được coi là kết quả tốt nhất trong 1 quý mà S&P 500 đạt được kể từ năm 2010.
Theo các chuyên gia phân tích, mặc dù chỉ số S&P 500 đạt mức nhất kể từ cuối năm 2007 hồi đầu tháng này, song các nhà đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi về việc liệu thị trường cổ phiếu có tiếp tục duy trì được đà tăng sau những số liệu ảm đạm của kinh tế Mỹ hay không. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến S&P 500 giảm mạnh trong những ngày giao dịch cuối cùng của tháng 9.
Nguồn Reuters/Khampha