Tây Ban Nha sẽ đóng 30 sân bay quốc doanh để đối phó khủng hoảng
Theo báo cáo, 20 sân bay công chỉ có ít hơn 100.000 lượt hành khách mỗi năm, thấp hơn nhiều so với con số nửa triệu để thu được lợi nhuận.
Để đối phó với tình trạng trên, hiện tại Bộ công nghiệp và AENA - công ty nhà nước chịu trách nhiệm điều hành các sân bay quốc gia - đang xem xét kế hoạch cắt giảm 3/4 giờ bay và chỉ để lại 1 bộ phận nhân viên nòng cốt hoạt động trong trường hợp khẩn cấp.
Trong số các sân bay bị đóng cửa, tồi tệ nhất là phải chứng kiến chuyến bay thương mại cuối cùng cất cánh từ sân bay Badajoz, gần biên giới Bồ Đào Nha phía tây Tây Ban Nha vào ngày 10/01/2011.
Badajoz được xây dựng vào năm 1990, nhưng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc suy thoái kinh tế theo sau sự kiện vỡ bong bóng nhà đất hồi năm 2008 đã khiến cho số lượng khách sụt giảm nhanh chóng. Sân bay này ghi nhận lượng khách kỷ lục 75.000 người hồi năm 2007, chỉ một năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế tồi tệ nhất. Từ tháng 1 tới tháng 11/2011, sân bay chỉ đón hơn 52.000 lượt hành khách, giảm hơn 9,3% so với năm trước, theo số liệu của AENA.
Hai sân bay tư nhân cũng cùng chung số phận. Sân bay Ciudad Real ở miền Trung Tây Ban Nha khai trương năm 2008 với kỳ vọng trở thành sân bay thứ 2 của thủ đô (canh tranh với sân bay Barajas ở phía Bắc) đã phải cắt giảm các chuyến bay dự kiến vào tháng 10 năm ngoái do thiếu số lượng khách hàng. Còn sân bay tư nhân Castellon nằm ở phía Đông Tây Ban Nha vẫn tiếp tục vắng khách, sau khi khai trương hồi tháng 3/2011.
Tây Ban Nha là nước xây dựng nhiều sân bay quốc tế nhất so với bất kỳ nước nào ở châu Âu, với 47 sân bay công và 2 thuộc sở hữu tư nhân.
Nguồn Telegraph/DVT