Thứ Năm | 01/11/2012 11:35

Tây Ban Nha kéo dài từ chối cứu trợ làm khủng hoảng nợ thêm rủi ro

Nhiều phân tích cho rằng Tây Ban Nha sẽ cần gói cứu trợ, càng kéo dài thời gian chấp nhận thì tình hình sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Sự chần chừ của thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy trong việc chấp nhận gói giải cứu từ liên minh châu Âu (EU) có thể dẫn tới nhiều nguy cơ hơn đối với đất nước vốn đang có tình hình nợ công cao này.

Lý do để ông Rajoy chưa vội vàng trong việc tìm trợ giúp là tình hình thị trường tài chính đang trở nên tốt hơn với Tây Ban Nha khi họ có thể đi vay thông qua phát hành trái phiếu với giá rẻ hơn.

Sau khi lên tới 7%, lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Tây Ban Nha đã giảm xuống còn 5,6% như hiện nay. Điều đó có được là nhờ những đảm bảo của EU và ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) về việc mua lại nợ của quốc gia này.

Cho đến thời điểm hiện tại, Tây Ban Nha đã đủ tiền tài trợ cho 95% chi phí hoạt động năm 2012 và bắt đầu tiến hành việc phát hành trái phiếu để có kinh phí cho năm tới. Một dư địa tốt trong mắt chính phủ Tây Ban Nha.

Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng việc dựa vào tình hình tín dụng không chắc chắn hiện nay đang làm lãng phí thời gian để vực dậy nền kinh tế lớn thứ tư khối đồng tiền chung châu Âu (eurozone) vốn đã thu hẹp trong liên tiếp 05 quý vừa qua.

Thêm nữa, những biện pháp chính sách khắc khổ sắp thực thi của Tây Ban Nha cũng sẽ không làm hài lòng con số thất nghiệp kỷ lục 25%.

Nhiều chuyên gia cảnh báo về việc Tây Ban Nha nên chấp nhận gói cứu trợ. Thậm chí tổng thống Pháp cũng đã gây áp lực lên chính phủ Tây Ban Nha về gói giải cứu, nguồn tin ngoại giao của Reuters cho biết.

Nguy cơ của Tây Ban Nha còn tới từ thể chế chính quyền phi tập trung, nơi 17 vùng tự trị của họ đang mắc nợ nhiều hơn nguồn thu. Thời điểm hiện tại, nguồn thu của chính quyền địa phương kém so với chi tiêu tới hơn 10 điểm phần trăm.

Nợ của các chính quyền địa phương ước tính vào khoảng 20 tỷ euro. Vừa qua 5 vùng cũng bị S&P hạ bậc tín nhiệm.

Cho dù có chấp nhận gói cứu trợ, Tây Ban Nha vẫn có thể bị đánh tụt hạng tín nhiệm trong vòng 6-9 tháng tới, các chuyên gia phân tích tại Citigroup cho biết. Nếu không nhận cứu trợ, tình hình có thể thay đổi trong tuần do nhu cầu thị trường thay đổi.

Chính vì những lý do trên, việc trì hoãn nhận trợ giúp của chính phủ Tây Ban Nha sẽ tạo nhiều rủi ro hơn nữa lên tình hình khủng hoảng nợ công châu Âu.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện