Tây Ban Nha đứng dậy từ khủng hoảng
Trong quý I và quý II vừa qua, Tây Ban Nha đã lần lượt đạt tăng trưởng GDP là 0,9% và 1%, cao hơn gấp bội so với mức 0,4% và 0,3% của khu vực eurozone trong cùng kỳ. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của quốc gia Nam Âu này đã gượng dậy được sau cơn khủng hoảng kéo dài.
Trước đây, Tây Ban Nha từng được xem là một trong số "năm anh em dị nhân" PIIGS có nguy cơ phải rời khỏi EU, bên cạnh Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ý và Ireland. Khi đó, Tây Ban Nha vừa phải đối phó với tình trạng vỡ bong bóng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp hơn 25%, doanh nghiệp phá sản hàng loạt, vừa phải đi vay bên ngoài với mức lãi suất trái phiếu cao hơn Đức tới 5%. Từ năm 2008 đến 2013, GDP của Tây Ban Nha bị sụt giảm tới 8%.
Trước tình hình đó, chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy đã chấp nhận một loạt yêu cầu từ phía các chủ nợ Tây Âu: cắt giảm lương và phúc lợi của đội ngũ công chức, hạn chế chi tiêu công và tăng thuế VAT. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó, thì có lẽ là Tây Ban Nha cũng không khá hơn Hy Lạp ngày nay là bao nhiêu.
Theo các chuyên gia, khác biệt quan trọng nhất mà Tây Ban Nha đã làm được, đó chính là việc mạnh tay tái cơ cấu lại thị trường lao động. Bằng cách giảm bớt các khác biệt giữa thành phần lao động trong biên chế và lao động tạm thời, cũng như hạ giá các gói đền bù cho việc sa thải nhân công, giới doanh nghiệp Tây Ban Nha đã có thể tự tin hơn trong việc tuyển dụng lao động.
Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng chịu khó thực hiện việc giảm thuế cùng lúc với việc xử lý mạnh tay tình trạng trốn thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp vừa được giảm từ 30% xuống còn 28% trong năm nay, và sẽ tiếp tục được giảm xuống 25% trong năm 2016. Ngoài ra, mức tối đa của thuế thu nhập cá nhân cũng sẽ được giảm từ 52% xuống còn 45%.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về mức độ thuận lợi trong môi trường kinh doanh, Tây Ban Nha cũng đã thăng hạng từ 52 hồi năm 2012 lên 33 vào năm 2014.
Tuy nhiên, giải quyết vấn đề thất nghiệp vẫn là một thách thức vô cùng nan giải. Ngay cả khi nền kinh tế Tây Ban Nha được cải thiện đáng kể, thì tỷ lệ thất nghiệp thường trực (còn gọi là thất nghiệp cơ cấu) vẫn có thể lên tới 18%, cao hơn 3 lần so với nước Mỹ. Trong tháng 6 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp vẫn nằm ở mức 22,5%, dù đã được cải thiện đáng kể so với mức 26,3% hồi đầu năm 2013. Vì vậy, nên hiện nay GDP Tây Ban Nha vẫn đang thấp hơn 4% so với lúc chạm đỉnh hồi năm 2008, trong khi mức bình quân của khối eurozone là 1%.
GDP (màu xanh) của Tây Ban Nha đã tăng trưởng trở lại, nhưng tỷ lệ thất nghiệp (màu nâu đỏ) vẫn còn ở mức khá cao - Ảnh: The Economist |
Trong bối cảnh đó, nhiều người đã lo ngại rằng các lực lượng cực tả ở Tây Ban Nha vẫn có thể giành chiến thắng trong đợt bầu cử tháng 11 năm nay và đẩy nước này vào thế đối đầu trở lại với EU, tương tự như trường hợp đảng Syriza ở Hy Lạp. Ông Helge Berger, người đứng đầu phái đoàn IMF ở Tây Ban Nha, cảnh báo: "Chúng tôi thấy việc có nhiều nghi ngờ về tính hiệu quả của các cải cách là một rủi ro lớn".
Hiện tại, IMF đang dự báo Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, thấp hơn một chút so với mức 3,3% mà chính phủ nước này đưa ra.
Tuấn Minh
Nguồn The Economist, Bloomberg