Thứ Hai | 12/11/2012 15:57

Tây Ban Nha đối mặt với khủng hoảng vô gia cư

Suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang đẩy nhiều người dân Tây Ban Nha vào cảnh khốn đốn không nhà cửa, mất việc làm.
Ngày càng có nhiều gia đình Tây Ban Nha bị thu hồi nhà và tài sản, khiến hàng trăm người rơi vào cảnh vô gia cư. Theo ước tính, Tây Ban Nha hiện có khoảng 2 triệu căn nhà bị bỏ hoang.

Những người dân bị thu hồi nhà đã phải ngủ ngoài sảnh của các tòa nhà, trong xe ô tô hoặc thậm chí ngoài đường phố bởi họ không còn tiền để thuê nhà và cũng không còn nơi nào để chuyển đi.

Những vụ thu hồi nhà hầu hết diễn ra một cách lặng lẽ. Tuy nhiên, ở một số khu vực, nhiều vụ đụng độ với cảnh sát và quan chức ngân hàng đã nổ ra khi người dân cố gắng chống lại lệnh thu hồi nhà.

Nhằm ngăn chặn dòng người vô gia cư, chính phủ Tây Ban Nha đã yêu cầu các ngân hàng tuân theo các quy tắc để bảo vệ những người dân nghèo nhất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các quy tắc này không phát huy nhiều tác dụng.

Rất nhiều người dân Tây Ban Nha rơi vào cảnh vô gia cư.
Rất nhiều người dân Tây Ban Nha rơi vào cảnh vô gia cư.

Tình trạng này đã trở nên cấp bách đến nỗi trong ngày hôm nay 12/11 thủ tướng Mariano Rajoy đã phải cam kết công bố các biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn đề trên.

Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp của Tây Ban Nha ngày càng đáng báo động khi dữ liệu của Viện thống kê quốc gia cho thấy số người thất nghiệp của Tây Ban Nha trong 3 tháng kết thúc vào tháng 9 tăng lên 5,8 triệu người, tương đương với 25%, mức cao nhất từ khi quốc gia này chuyển sang chế độ dân chủ năm 1976.

Trong bản báo cáo công bố ngày 23/10, Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha quý III giảm 0,4% so với quý II. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp, kinh tế Tây Ban Nha suy yếu.

Chính phủ Tây Ban Nha dự báo kinh tế sẽ tăng trưởng âm 1,5% trong năm nay và âm 0,5% vào năm tới, trong khi cuộc thăm dò của Reuters cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này có thể sẽ giảm gấp 3 lần con số trên.

Thị trường đang rất kỳ vọng Tây Ban Nha sẽ sớm xin cứu trợ để tránh nguy cơ vỡ nợ. Theo nguồn tin từ bộ kinh tế Tây Ban Nha, chính phủ nước này có thể sẽ phải đề nghị gói cứu trợ 60 tỷ euro (gần 78 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) để tái cấp vốn cho các ngân hàng.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện