Chủ Nhật | 01/04/2012 16:22

Tây Ban Nha - Nỗi lo khủng hoảng mới tại Eurozone

Mặc dù cùng rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính, song các vấn đề mà Tây Ban Nha gặp phải lại không giống với Hy Lạp.
Hy Lạp đã chắc chắn nhận được gói cứu trợ thứ hai, tạm thời thoát khỏi cơn khốn đốn và tránh được nguy cơ vỡ nợ trước mắt. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lại đang phải tiếp tục đối mặt với một phép thử mới mang tên Tây Ban Nha.

Mặc dù cùng rơi vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính, song các vấn đề mà Tây Ban Nha gặp phải lại không giống với Hy Lạp. Không phải do chi tiêu quá mức mà nổi bật lên trong cuộc khủng hoảng tài chính tại Tây Ban Nha là vấn đề thị trường bất động sản và tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là trong giới trẻ.

Bong bóng bất động sản

Trước hết là về thị trường bất động sản, được coi là khởi nguồn cho cuộc khủng hoảng tài chính tại Tây Ban Nha. Trong khoảng thời gian từ 1985 đến 2007, giá trị bất động sản tại Tây Ban Nha đã tăng lên chóng mặt, hơn 200%. Và khi thị trường bất động sản lâm vào khủng hoảng thì Tây Ban Nha được cho là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ quả bong bóng vỡ này.

Theo các số liệu thống kê, Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu có tỷ lệ suy giảm các công trình xây dựng mới cao nhất và số lượng các giao dịch bất động sản cũng giảm 25,3%. Điều này gây khó cho các nhà đầu tư và lẽ đương nhiên họ phải viện đến ngân hàng. Các ngân hàng Tây Ban Nha thậm chí đã phải cho các nhà đầu tư bất động sản Tây Ban Nha vay những khoản vay thế chấp dài hạn, lên đến 40 năm, thậm chí là 50 năm. Như một phản ứng dây chuyền, khi mà thị trường bất động sản khủng hoảng, nó kéo theo những hệ lụy cho hệ thống ngân hàng.

Không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, khủng hoảng trên thị trường bất động sản Tây Ban Nha còn ảnh hưởng đến thị trường lao động của nước này. Tỷ lệ các công trình xây dựng mới giảm, đồng nghĩa với việc một số lượng không nhỏ những người làm việc trong lĩnh vực xây dựng không có việc làm. Điều này góp phần vào tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng của Tây Ban Nha hiện nay.


Hàng chục nghìn người tham gia tuần hành ủng hộ tổng đình công tại quảng trưởng Cibeles ở Madrid
Tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục

Tây Ban Nha đang đối mặt với làn sóng biểu tình phản đối những cải cách trong chính sách tài chính, nhằm cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là những chính sách đối với người lao động, theo đó sẽ cắt giảm đáng kể các khoản tiền công, tiền lương của người lao động, và giới chủ thì dường như có nhiều quyền hành hơn khi mà theo luật lao động mới điều chỉnh, các chủ lao động sẽ dễ dàng sa thải nhân viên hơn.

Giới chức Tây Ban Nha thì biện hộ những cải cách mới trong Luật lao động là nhằm giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 23%, cao nhất trong các quốc gia châu Âu, và còn có nguy cơ tăng cao lên kỷ lục hơn 24% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, những cải cách này cần nhiều thời gian để phát huy hiệu quả. Mặc dù vậy, không nhiều người tin rằng những thay đổi này có thể cữu vãn được tình trạng của Tây Ban Nha.

Vấn đề thất nghiệp ở Tây Ban Nha còn đáng lo ngại vì nó tập trung ở giới trẻ. Theo thống kê, gần một nửa số người Tây Ban Nha dưới 25 tuổi không có việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp cao, còn gây khó cho nền kinh tế Tây Ban Nha theo nhiều cách khác. Khi người ta thất nghiệp, tiêu dùng sẽ giảm, tiết kiệm để tái đầu tư cũng giảm. Và vì vậy, sẽ làm khó cho tăng trưởng kinh tế (mà thực tế là nền kinh tế Tây Ban Nha đang rơi vào suy thoái).

Hệ lụy cho nền kinh tế - xã hội

Những khủng hoảng trên thị trường bất động sản và thị trường lao động đang gây ra những hệ lụỵ không mong muốn cho xã hội Tây Ban Nha.

Trước hết là các cuộc tổng đình công do tổ chức công đoàn phát động đã khiến Tây Ban Nhà gần như rơi vào tê liệt. Cuộc tổng đình công hôm 29/3 vừa qua được ước tính là có tới hàng trăm nghìn người tham gia, con số đủ để thấy những phản ứng gay gắt của xã hội đối với các chính sách điều hành của Chính phủ.

Đình công khiến các hoạt động giao thông đều bị ảnh hưởng, các chuyến bay nội địa và đến các nước châu Âu khác đã bị cắt giảm. May mắn thay, Chính phủ Tây Ban Nha và các tổ chức công đoàn vẫn đạt được một thỏa thuận. Theo thỏa thuận này, ít nhất 1/3 chuyến tàu và xe buýt địa phương sẽ vẫn hoạt động, cùng với 1 trong số 10 chuyến bay nội địa và 1 trong số 5 chuyến bay châu Âu được vận hành.

Không dừng lại ở đình công, một số phần tử quá khích còn nhân cơ hội này để gây rối loạn. Tại Barcelona, một số người biểu tình quá khích đã đạp vỡ cửa kính của các cửa hàng trên các con phố, đốt phá các thùng rác công cộng. Những hành động quá khích đã khiến cảnh sát phải đáp trả bằng dùi cui và hơi cay. Tại thủ đô Madrid, tình hình cũng tương tự, khi có hàng trăm nghìn người tham gia tuần hành hưởng ứng cuộc tổng đình công này.

Theo Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha, kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái trong quý I năm nay, sau khi suy giảm hai quý liên tiếp trước đó. Nguyên nhân của sự suy giảm này cũng đã được chỉ rõ là do chi tiêu, tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010, và tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức xấp xỉ 23%.

Như vậy, nền kinh tế Tây Ban Nha lại rơi vào suy thoái chỉ hai năm sau khi thoát khỏi cuộc suy thoái gần đây nhất. Theo ước tính, tăng trưởng kinh tế nước này có thể giảm 1,7% trong năm nay, sau khi tăng trưởng 0,7% trong năm ngoái.

Vấn đề thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha cũng rất đáng lo ngại. Năm ngoái, thâm hụt ngân sách của Tây Ban Nha đã ở mức 8,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thay vì 6% GDP như mục tiêu đề ra, còn năm nay, Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã phải điều chỉnh mục tiêu thâm hụt từ 4,4% GDP lên 5,3% GDP. Theo nhận định, Tây Ban Nha sẽ phải cắt giảm ngân sách 41,5 tỷ euro (55,5 tỷ USD) hoặc hơn trong năm nay để đạt được mục tiêu đề ra này.

Rơi vào cảnh báo

Những khó khăn chồng chất đối với nền kinh tế Tây Ban Nha đang khiến nước này trở thành ứng cử viên tiềm năng cho gói cứu trợ tiếp theo mà các tổ chức quốc tế và khu vực có thể phải tính đến.

Mới đây nhất, hôm 28/3, Tập đoàn tài chính Citigroup đã ra cảnh báo về việc Tây Ban Nha nhiều khả năng sẽ vỡ nợ. Theo ông William Buiter, nhà kinh tế trưởng của Citigroup, nguy cơ Tây Ban Nha phải tái cơ cấu nợ hiện nay cao hơn nhiều so với khi khủng hoảng bắt đầu. Trong báo cáo mới đây của mình, ông Buiter cho rằng Tây Ban Nha có thể tránh tái cơ cấu, tuy nhiên nó sẽ liên quan nhiều hơn tới các biện pháp cấu trúc và tài chính căn bản. Ông Buiter cho rằng chính phủ, hộ gia đình, doanh nghiệp phi tài chính và các ngân hàng tại Tây Ban Nha đều vay nợ quá nhiều và thiệt hại có thể là rất lớn đối với hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha khi giá bất động sản giảm.

Ngoài ra ông Buiter cũng nhận định rằng giới chức Tây Ban Nha có thể không đủ nguồn lực để tái cơ cấu vốn một cách đầy đủ cho hệ thống ngân hàng của mình.

Các nhà phân tích khác cũng không loại trừ khả năng Tây Ban Nha là cái tên tiếp theo trong danh sách các nước Eurozone bị vỡ nợ. Ông Javier Flores, một nhà phân tích của Tập đoàn đầu tư Asinver  nhận định nguy cơ vỡ nợ của Tây Ban Nha là có thật và chỉ ra rằng, Tây Ban Nha đang đứng ở vị trí thứ 9 trong danh sách 10 quốc gia đứng đầu về nguy cơ vỡ nợ. Ông Flores nói: "Tây Ban Nha gần như chắc chắn là sẽ không đạt được mục tiêu thâm hụt ngân sách như đã đề ra và khả năng vỡ nợ hiện tại gần như tương đương với Ai Cập. Người dân Tây Ban Nha hiện đang không nhận ra tình trạng đã trở nên khẩn cấp và nghiêm trọng như thế nào".

Một thực tế nữa khiến Tây Ban Nha rơi vào tầm ngắm là việc lãi suất trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha bất ngờ tăng cao thời gian gần đây. Cụ thể, mức lãi suất mà Chính phủ Tây Ban Nha sẽ phải trả cho các khoản nợ của mình đối với trái phiếu 10 năm đã đạt mức 5,51%. Hiện tượng này rõ ràng là đang phản ánh những quan ngại của thị trường về nền kinh tế nước này.

Các nhà quan sát lo ngại rằng mức lãi suất trái phiếu Chính phủ Tây Ban Nha tăng cao đang phản chiếu hình ảnh của một Hy Lạp trong vòng nguy hiểm hồi cuối năm 2011. Và khi mức lãi suất này cứ tiếp tục tăng, Tây Ban Nha sẽ phải cần đến một gói hỗ trợ tài chính để có thể chặn đứng đà tăng này.

Nguồn Pháp luật & Xã hội


Sự kiện