Thứ Tư | 03/10/2012 15:18

"Tất cả NHTW cùng tung ra kích thích mới đủ vực dậy thị trường"

Nếu các ngân hàng trung ương (NHTW) cùng tung kích thích cùng một thời điểm, hiệu quả với thị trường sẽ lớn hơn nhiều lần, một nhà phân tích khẳng định.
Trong vòng 1 tháng, 5 ngân hàng trung ương lớn của thế giới lần lượt tung ra các gói kích thích kinh tế trong nỗ lực đối phó với sự suy giảm trong triển vọng kinh tế toàn cầu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng trong nước.

Trong khi các tài sản tài chính như cổ phiếu phản ứng khá tích cực với những kích thích này, một nhà phân tích lại cho rằng các ngân hàng trung ương đáng ra đã có thể tung một gói kích thích lớn hơn nếu họ biết phối hợp hành động với nhau, hay đơn giản là tuyên bố tung các gói kích thích ngay cùng một ngày.

d
Chỉ trong vòng chưa đầy 30 ngày, 5 ngân hàng trung ương liên tiếp tung ra các gói kích thích kinh tế

Người đưa ra ý tưởng chính là giám đốc quản lý của BK Asset Management tại New Yor, bà Kathy Lien. Bà Lien cho biết: "Phản ứng của thị trường với những gói kích kích riêng lẻ vừa qua là khá yếu. Nếu tất cả các ngân hàng trung ương cùng nhất trí tung gói kích thích trong một ngày, nó sẽ tạo một thông điệp lớn hơn cho thị trường ngay tại thời điểm đó. Điều đó còn giúp các nhà đầu tư hiểu rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn trong tư thế sẵn sàng hành động".

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) chính là ngân hàng đầu tiên phát tín hiệu kích thích vào ngày 6/9. Theo đó, chủ tịch ECB Mario Draghi đã công bố kế hoạch mua trái phiếu của các nước khu vực đồng euro (eurozone) đang chìm trong nợ nhằm hạ chi phí đi vay.

Một tuần sau, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nổ loạt súng thứ hai bằng gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3), với lời hứa hẹn sẽ bơm 40 tỷ USD mỗi tháng vào thị trường cho đến khi tình trạng thất nghiệp được cải thiện.

Ngay sau đó, các ngân hàng trung ương châu Á cũng nhảy vào cuộc, mở màn là Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), với chương trình mua tài sản trị giá 126 tỷ USD. Một tuần sau, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quyết định bơm 58 tỷ USD vào thị trường tiền mặt. Hôm qua 2/10, Ngân hàng trung ương Australia cũng gây ngạc nhiên đối với các nhà quan sát thị trường khi hạ lãi suất xuống còn 3,25%.

Các biện pháp trên quả thực đã tạo hưng phấn ban đầu cho thị trường chứng khoán các nước. Điển hình, chứng khoán Mỹ đã tăng 4,4% trong tháng 9 sau tuyên bố của ECB và Fed, trong khi chứng khoán châu Âu và châu Á tăng lần lượt 6,3% và 7,3%.

w
Sẽ hiệu quả hơn nếu các ngân hàng trung ương cùng tung gói kích thích kinh tế trong cùng một ngày?

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, thị trường chứng khoán các quốc gia này đang phải vật lộn để duy trì đà tăng. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, chứng khoán Mỹ chỉ tăng 2,65%, châu Âu tăng 2,1% và châu Á tăng 5,4%.

Theo bà Lien, nếu các ngân hàng trung ương chấp nhận chung tay hành động thì ảnh hưởng chắc hẳn lớn hơn nhiều, ít nhất là đối với thị trường chứng khoán.

"Nếu mục tiêu của các ngân hàng trung ương là tăng giá cổ phiếu, trái phiếu, nhà ở hay các tài sản khác, giờ còn quá sớm để nói rằng liệu họ đã thất bại hay thành công. Vấn đề là các thị trường cổ phiếu không thể tiếp nối được đà tăng đã có trong đầu tháng 9", bà Lien viết.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại cho rằng việc phối hợp hành động như vậy là không cần thiết vào thời điểm này, bởi lẽ các thị trường chưa rơi vào trạng thái khủng hoảng.

Giám đốc chiến lược kiêm kinh tế trưởng của AMP Capital Investors, ông Shane Oliver, cho biết: "Phối hợp hành động chỉ hữu ích vào thời điểm khủng hoảng bùng phát dữ dội, như giai đoạn 2008 và 2009 khi thị trường tài chính đóng băng. Ở thời điểm hiện tại, việc làm đó là không cần thiết".

Khi đề cập đến vấn đề thời điểm tung kích thích, các nhà kinh tế như ông Oliver cho rằng các nền kinh tế khác nhau có những vấn đề khác nhau, do đó lịch trình giải quyết vấn đề của họ cũng không thể giống nhau.

"Cảm nhận mức độ cấp bách của thị trường của mỗi ngân hàng trung ương là khác nhau. Họ chủ yếu chỉ tập trung vào các vấn đề trong nước. Ngoài ra, khó khăn ở mỗi quốc gia cũng hoàn toàn không giống nhau", ông Oliver nhận xét.

Tuần này, sự tập trung của các nhà quan sát đang đổ dồn sang châu Âu trong bối cảnh Ngân hàng trung ương Anh và ECB chuẩn bị đưa ra những quyết định quan trọng về tiền tệ. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng là tâm điểm quan trọng thu hút được sự quan tâm của thị trường.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện