Ngô Ngọc Châu Thứ Ba | 26/06/2018 08:00

Tập đoàn đa quốc gia chùn bước

Chúng ta đang thấy sự suy giảm của toàn cầu hóa lại đi kèm với sự sa sút đều đặn của các tập đoàn đa quốc gia.

Nếu chỉ nhìn vào các con số, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ một cách kỳ lạ lại dường như “cổ xúy” cho hoạt động kinh doanh toàn cầu. Kể từ năm 2015, đã xảy ra nhiều sự kiện như Brexit (Anh rời khỏi EU), sự trỗi dậy của các đảng phái cực đoan trong khu vực đồng euro, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ Donald Trump và một Trung Quốc đầy tham vọng dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, lợi nhuận của 3.000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới lại tăng tới 44% xét theo giá trị đồng USD.

Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng tăng mạnh. Về vấn đề áp mức thuế quan, vào thời điểm này, có vẻ như các doanh nghiệp chỉ bực bội phần nào thôi. Nhiều doanh nghiệp phương Tây vẫn còn rất say mê tìm tòi những đích ngắm mới lạ ở ngoài lãnh thổ: chẳng hạn, vào tháng 5 vừa qua, Walmart đã đề nghị mua lại Flipkart, một hãng thương mại điện tử Ấn Độ, với giá 16 tỉ USD. Hay Starbucks cứ mỗi 15 tiếng đồng hồ lại mở một cửa hàng mới tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhìn cận cảnh hơn, chúng ta lại thấy sự suy giảm của toàn cầu hóa lại đi kèm với sự sa sút đều đặn của các tập đoàn đa quốc gia. Trong giai đoạn từ lúc Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 cho đến cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn 20 năm sau đó, vài ngàn doanh nghiệp đã trở nên càng hùng mạnh, đóng vai trò như những bộ óc đầu não của nền kinh tế toàn cầu, kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ cũng như các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thế nhưng, suốt 10 năm qua, các tập đoàn này lại đang “sống mòn”. Một báo cáo mới của UNCTAD chỉ ra, tình trạng sống mòn này càng thêm nghiêm trọng vào năm ngoái.

Hãy xét công cuộc đầu tư xuyên biên giới của các tập đoàn (bao gồm các thương vụ thâu tóm và đầu tư vào các dự án mới như đầu tư nhà xưởng). Dòng vốn đầu tư đã giảm tới 23% trong năm 2017.

Số vốn chảy vào châu Á và Mỹ Latinh vẫn ổn định nhưng lại giảm xuống ở tất cả các khu vực khác. Xét tỉ trọng trong GDP toàn cầu, các khoản đầu tư như vậy đã giảm phân nửa so với năm 2007, còn chỉ 2,4% vào năm ngoái - tỉ lệ thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đình trệ. Bằng chứng là tỉ trọng hàng hóa xuất khẩu đã tăng đều đặn từ 26% trong năm 1995 lên đến 31% vào năm 2010, nhưng kể từ đó đã giảm xuống còn 30%.   

Tình thế khó khăn của các tập đoàn đa quốc gia có những nguyên nhân rất sâu xa. Nhiều tập đoàn toàn cầu đã rơi vào tình trạng vô kỷ luật và rót tiền vào các dự án phù phiếm ở nước ngoài. Không ít doanh nghiệp đã đặt cơ sở sản xuất ở những quốc gia có chi phí lao động rẻ và ghi nhận lợi nhuận ở những nước có mức thuế thấp.

Nhưng mức lương ở Trung Quốc đã tăng lên. Trong khi đó, các nước châu Âu và Mỹ đã khiến cho việc trốn thuế trở nên khó khăn hơn. Trong nhiều ngành, quy mô trong nước còn quan trọng hơn cả kế hoạch bành trướng toàn cầu. Walmart, chẳng hạn, đang “nhường” quyền kiểm soát tại bộ phận kinh doanh ở Anh cho J. Sainsbury, một công ty Anh, sau nhiều năm kinh doanh không khả quan.

Khi lợi thế của các tập đoàn đa quốc gia đã suy giảm, thì những con số kinh doanh cũng ảm đạm. 500 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường đã được phân thành 2 nhóm: nhóm công ty nội địa và nhóm tập đoàn đa quốc gia (tức các tập đoàn có hơn 30% doanh số bán ở nước ngoài). Kể từ năm 2015, lợi nhuận của nhóm tập đoàn đa quốc gia đã tăng 12%, so với 30% của các công ty nội địa. Các tập đoàn đa quốc gia một thời có mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) khiến nhiều người đỏ con mắt, nhưng năm ngoái ROE chỉ đạt 11%, so với 12% của các công ty nội địa. 

UNCTAD tính toán mức sinh lời của bộ phận quốc tế của các tập đoàn đa quốc gia, không bao gồm các mảng kinh doanh trong nước của họ (đối với nhiều công ty Mỹ, mảng kinh doanh nội địa rất sinh lời). Mức sinh lời như vậy đã giảm còn 7% vào năm ngoái, từ mức 9% trước thời điểm khủng hoảng tài chính - có lẽ dưới cả chi phí vốn của các doanh nghiệp này. 

Tap doan da quoc gia chun buoc
 

Đối mặt với mức lợi nhuận xập xình, các ông chủ doanh nghiệp đã trở nên thận trọng hơn. Và họ càng thận trọng hơn nữa trước tình trạng căng thẳng thương mại leo thang. Thứ nhất, các nhà điều hành chính sách có xu hướng chặn đứng các thương vụ nhiều hơn.

Những người mua đến từ Trung Quốc đặc biệt bị chú ý. Thậm chí, Canada đã hoãn một thương vụ thâu tóm công ty xây dựng Aecon trị giá 1 tỉ USD của một công ty Trung Quốc vào tháng 5. Các nhà chức trách Mỹ gần đây đã ngăn chặn thương vụ Broadcom thâu tóm Qualcomm. Rõ ràng, ai lại muốn phát triển các chuỗi cung ứng toàn cầu mới khi cơ chế thương mại của thế giới liên tục thay đổi? 

Chủ nghĩa bảo hộ đôi khi có thể khuyến khích đầu tư xuyên biên giới. Sau thập niên 1930, một số doanh nghiệp đã né thuế bằng cách xây dựng nhà máy ngay tại những quốc gia mà họ muốn xuất khẩu hàng hóa sang. Chính phủ Mỹ hy vọng điều này sẽ diễn ra ở ngay nước mình khi ông Trump khẳng định “sẽ mở cửa cho kinh doanh”. Nhưng đầu tư nội địa tại Mỹ đã giảm 39% trong năm 2017, theo Cơ quan Phân tích Kinh tế. Không chỉ vậy, số các dự án đầu tư mới tại Mỹ được công bố bởi các công ty nước ngoài cũng đã giảm 29% trong quý I/2018 so với năm trước, theo FDI.

Có lẽ dòng chảy số có thể tạo ra một bệ đỡ mới cho quá trình toàn cầu hóa, theo quan điểm của McKinsey. Lấy ví dụ, Netflix hiện có lượng đăng ký ở nước ngoài nhiều hơn ở thị trường nội địa. Nhưng những dòng chảy này rất yếu ớt: Chúng dường như không tạo ra nhiều việc làm, xuất khẩu hay nguồn thu thuế cho những nước nhận được dòng vốn này, vốn là động lực chính để chào đón các tập đoàn đa quốc gia. Và chủ nghĩa bảo hộ cũng đã hướng sang kênh kỹ thuật số, khi việc kiểm soát các cải tiến công nghệ đang là tâm điểm trong mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Một số ý kiến cho rằng đầu tư xuyên biên giới sẽ vẫn cứ xập xình trong thời gian ông Trump còn tại nhiệm. “Sức nặng” của các tập đoàn đa quốc gia trong bức tranh đầu tư toàn cầu (bao gồm cả các thương vụ thâu tóm) sẽ dần trở nên mờ nhạt: tỉ trọng này đã giảm còn 6% vào năm ngoái, so với mức trung bình 8% trong 20 năm qua và mức đỉnh 10% trong năm 2007. 

Nhưng nếu căng thẳng thương mại vẫn cứ dai dẳng, kéo sang cả thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020 thì các doanh nghiệp có thể phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc hơn. Một lựa chọn là tách hẳn quyền kiểm soát khỏi dòng chảy đầu tư. Trong thế kỷ XIX, các tập đoàn toàn cầu thường giao cho các đại lý trong nước quản lý, điều hành các bộ phận nước ngoài của họ.

Cách làm này hoàn toàn có thể dùng lại. Hoặc các tập đoàn đa quốc gia có thể mua lại cổ phần thiểu số trong các cơ sở hoạt động của họ ở nước ngoài, đảm bảo cho các bộ phận này có quyền tự trị trong nước. 

Những cơ chế như thế có thể né được các rủi ro chính trị nhưng lại ít hiệu quả hơn rất nhiều so với mô hình các doanh nghiệp được tích hợp toàn cầu, vốn phát triển mạnh mẽ trong những năm 2000. Tất nhiên, người tiêu dùng và năng suất sản xuất đều sẽ bị ảnh hưởng và nhà đầu tư cũng không tránh khỏi bị liên lụy. Nhưng thời gian qua đã cho thấy một thực tế cấp thiết: những ông chủ đang điều hành các tập đoàn đa quốc gia cần phải cân nhắc điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh cho phù hợp với một thế giới đã trở nên “khó ở” hơn